Báo cáo tm tắt tổng kết cng tác năm 2020, nhiệm kỳ 2016-2020 tại Hội nghị triển khai cng tác Ta án 2021 đã nêu r 10 nhiệm vụ trọng tâm cng tác Ta án 2021.
Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2021 diễn ra sáng nay (21/12), đồng chí Lê Hồng Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Phó Chánh án Thường trực TANDTC đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác năm 2020, nhiệm kỳ 2016-2020 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021. Theo đó, 10 nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2021 cụ thể gồm:
1. Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp.
2. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn chuẩn bị xét xử do nguyên nhân chủ quan của Tòa án; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như việc vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự. Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Kịp thời giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật bồi thường của Nhà nước. Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án. Chủ động xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp.
3. Tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Hoàn thành các Dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo đảm bảo tiến độ, chất lượng; tích cực tham gia xây dựng các đạo luật do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, phát triển án lệ và giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ.
4. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của TAND các cấp. Thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ, tạo nguồn Thẩm phán và điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, Thẩm phán. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động công vụ; công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử. Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm gắn với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Nghiên cứu đề xuất chế độ chính sách tiền lương phù hợp với tính chất công việc đặc thù của TAND.
5. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn với nhu cầu thực tiễn; kết hợp tốt việc đào tạo trong nước và nước ngoài; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, giải đáp vướng mắc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến; chú trọng đào tạo thông qua việc rút kinh nghiệm công tác xét xử.
6. Tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở và trang cấp các trang thiết bị làm việc cho các Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Siết chặt kỷ luật tài chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong chi tiêu, quản lý ngân sách của các đơn vị dự toán.
7. Tăng cường, chủ động mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ song phương với các nước, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực. Tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho các hoạt động triển khai thực thi pháp luật của TAND. Phối hợp với các cơ quan có liên quan làm tốt công tác tương trợ tư pháp. Nghiên cứu, đề xuất phương án đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế.
8. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và trong hoạt động quản lý, điều hành; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án.
9. Làm tốt công tác xây dựng Đảng; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Xây dựng kế hoạch cụ thể hóa phong trào thi đua “Vì Công lý” bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương, khen thưởng; chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp; vinh danh, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm sau khi kiểm điểm tự phê bình của cán bộ, đảng viên Tòa án các cấp.
10. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về tổ chức và các hoạt động của TAND.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2021, lãnh đạo TANDTC yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động TAND các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm; tích cực rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, lối sống, không ngừng học tập và nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở mỗi cương vị công tác của mình.