Phát biểu thảo luận về báo cáo giám sát Covid-19 tại Quốc hội sáng 29/5, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhận định, đại dịch Covid-19 vừa qua "ác liệt không khác gì một cuộc chiến tranh" nên không thể quên sự đóng góp của các lực lượng, nhân dân, nhất là lực lượng y tế.
Tuy nhiên, ông chỉ ra báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế khi đã có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Thậm chí có những sai phạm xảy ra trong các lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ...
"Có những cú lừa ngoạn mục sắc như dao cắt của Công ty Việt Á, trong tổ chức cơ sở sản xuất kit xét nghiệm rất đau đớn, đáng lên án. Sự trả giá quá đắt, quá lớn", ông Trí phát biểu.
Ông cũng nêu quan điểm đồng ý "ai tham ô, tham nhũng, ai xà xẻo trong hoạt động phòng, chống Covid-19 thì phải xử lý nghiêm khắc", tuy nhiên cần xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những ai sai sót nhưng không phải vụ lợi mà để kịp thời chống dịch, nhằm lợi ích của cộng đồng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội. Đồng thời, nên sớm kết thúc điều tra vụ án để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện các công vụ mới.
Sáng 29/5, tại phiên thảo luận tại Quốc hội về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng", đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Thuận đã chia sẻ và kể lại những tâm sự của đội ngũ y, bác sĩ với nhiều những day dứt, trăn trở.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, đất nước ta trải qua một thời gian chống dịch hết sức vất vả, đau thương, mất mát và chưa có tiền lệ. Qua đau thương, mất mát, chúng ta thấy được tinh thần đoàn kết, yêu thương của con người Việt Nam, lá lành đùm lá rách, chia sẻ ngọt bùi. Hình ảnh những thiên thần áo trắng, những anh bộ đội, lực lượng vũ trang giúp dân chống dịch, mua thực phẩm,... đã cố gắng hết mình trong phòng chống dịch.
"Thời điểm đó xã hội xem họ là anh hùng áo trắng, tuy nhiên khi hết dịch, qua vụ án Việt Á và các vụ việc khác có liên quan, hình ảnh này không còn nữa. Nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí và công sức nhất của các bác sĩ, các nhà quản lý y tế là viết báo cáo giải trình", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.
Cuối phiên giám sát về huy động, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 ngày 29/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình, tiếp thu các ý kiến Đại biểu Quốc hội. Ông cũng nhắc lại thời điểm cả nước còn căng mình phòng, chống dịch.
Ông Phớc chia sẻ, giai đoạn đấy chúng ta không nghĩ đến thành công trong chống dịch như thế.
"Ngay bản thân anh em chúng tôi tháp tùng Thủ tướng kiểm tra ở TP.HCM, Bình Dương, 4 anh em bộ trưởng chúng tôi về đến sân bay Tân Sơn Nhất thì gần như không có gì ăn. Chúng tôi phải nói với anh em đi tìm mì tôm. Tìm hơn 1 giờ đồng hồ thì 4 anh em bộ trưởng được 4 gói mì tôm. Ăn xong lên máy bay về nhà cũng vừa khuya", ông Phớc nói và cho biết hết sức chia sẻ với tất cả các ngành đã tập trung vào chống dịch để cứu người và phục hồi kinh tế.
Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) tập trung góp ý về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Vị đại biểu nêu quan điểm cá nhân rằng, trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức dậm chân tại chỗ, không dám làm gì do lo, e ngại không biết làm thế nào cho đúng.
Tuy nhiên, ông cho rằng: "Kinh nghiệm cho thấy, không có gì qua mắt được người dân. Dù có thể nói ra hoặc không nói ra, nhưng tôi nghĩ dân đều biết ai làm tốt, ai làm không tốt, ai không dám làm, ai vì mục đích chung, ai vụ lợi. Cho nên chúng ta không sợ người dám làm, dám chịu trách nhiệm mà không được tín nhiệm".
Từ đầu kỳ họp thứ 5, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nhiều lần mặc áo dài ngũ thân lên hội trường, khiến các đại biểu và nhiều người tò mò. Sáng 31/5, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, ông lên tiếng đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp, bên cạnh việc mặc bộ comple.
"Tôi đã dự định mặc áo ngũ thân vào lăng viếng Bác, hát Quốc ca trong lễ chào cờ. Tuy nhiên trong cẩm nang đại biểu có quy định nam mặc comple, nên tôi đã không mặc", ông Cảnh chia sẻ.
Theo đại biểu, việc mặc áo ngũ thân không làm thay đổi quy định nào về việc mặc các trang phục khác, không phải thay thế bộ comple mà chỉ giúp đại biểu, người tham dự có thêm lựa chọn được mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao.
Bộ lễ phục vẫn giữ gìn nét truyền thống, phù hợp với sinh hoạt, công việc trong xã hội hiện đại và tương xứng với trang phục của người đồng cấp trong sự kiện ngoại giao, trong hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.
Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 31/5, thực trạng sức khỏe doanh nghiệp khó khăn nhận được nhiều quan tâm từ các ĐBQH.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề nghị cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp.
Vị đại biểu đề nghị nhà chức trách rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính, nhất là thay đổi văn hóa "doanh nghiệp phải đi xin, chạy". Theo ông, chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ phụng sự doanh nghiệp, chủ động, thực tâm, thực lòng để gỡ khó.
"Những việc gì cần làm để doanh nghiệp phát triển, nên làm và quyết định ngay. Cần bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, bởi đến khi giải quyết được, doanh nghiệp đã "gần đất xa trời", ông An nói.
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội ngày 31/5, Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) dành cả thời lượng 7 phút để nói về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ông cho rằng, ngay trong thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" này, cần ưu tiên thay thế những cán bộ đó bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm vì không thiếu những cán bộ tốt.
"Giải pháp cấp thiết cần làm ngay là ưu tiên thay thế những cán bộ sợ trách nhiệm, bởi chúng ta không thiếu cán bộ tốt", ông Tuấn nói và ví von việc này giống như trong bóng đá, khi huấn luyện viên trưởng sẵn sàng thay thế cầu thủ thi đấu kém vì màu cờ sắc áo và vì sự phát triển của cả đội bóng.
Về lâu dài, ngoài Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, ông Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận chiều 31/5, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vấn đề làm nóng nghị trường, được các đại biểu quan tâm là một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai…
Bộ trưởng thừa nhận, hiện trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế xã hội. Bà cho rằng, cần phải thay đổi, xoá bỏ nhận thức của một số người về tư tưởng không làm thì không sai. Đây chính là dấu hiệu của một loại tự diễn biến, cản trở nghiêm trọng sự phát triển; đồng thời khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.
"Hơn lúc nào hết, cần huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách đồng bộ để thực hiện các giải pháp với ý thức và trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý, sợ sai, sợ trách nhiệm và không dám làm trong thực thi công vụ, trong đó cần phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Thảo luận kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội sáng 1/6, Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) tiếp tục tranh luận với các đại biểu đã phát biểu về tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm.
Khẳng định đây là vấn đề có thật, nhưng theo ông Kim, nguyên nhân nhạy cảm nhất của thực trạng này chưa được nói rõ.
Đồng tình với quan điểm "bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu", ông Kim cho rằng không chỉ sợ sai mà cán bộ còn né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác.
Ông Kim cũng "phê bình các đại biểu chưa đọc Nghị quyết Trung ương 7 giữa nhiệm kỳ", có bài phát biểu của Tổng Bí thư nói rõ những biểu hiện này. Vì vậy, ông đề nghị đại biểu nghiên cứu kỹ để cùng tìm giải pháp.
Đại biểu tỉnh Nam Định đề nghị các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Như vậy mới có sự hỗ trợ, giúp đỡ để có điều chỉnh cần thiết.
Chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đăng đàn phát biểu giải trình về một số vấn đề liên quan đến thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư nguồn điện tái tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, điện gió, điện mặt trời phát triển khá mạnh trong vài năm gần đây, do nhu cầu điện năng tăng nhanh, cơ chế khuyến khích của nhà nước khá hấp dẫn.
"Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng để phát triển điện gió, điện mặt trời. Nhưng nghịch lý là nơi có tiềm năng về nắng và gió lại là nơi có phụ tải thấp, muốn sử dụng nguồn điện tiềm năng này phải đầu tư khá lớn cho hệ thống truyền tải điện hoặc lưu trữ điện. Muốn phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo phải có một số nguồn điện nền ổn định, phát liên tục / để bù đắp cho những khi không có cái nắng, cái gió thì phải có cái đó để chen vào", ông Diên ví von.
"Cái đó", theo hàm ý trong câu nói của tư lệnh ngành Công Thương, chính là "khả năng phát điện liên tục để bù đắp" khi không có nắng, gió.
Theo ông Diên, nguồn điện nền của Việt Nam hiện nay là nhiệt điện than, điện dầu, điện khí, sinh khối và cả thủy điện là nguồn điện nền, các nước thì còn có cả điện hạt nhân. Bởi vậy dù có đắt hơn, dù có phát thải carbon có nhiều hơn trong ngắn hạn chúng ta chưa có nguồn hoặc giải pháp khác thay thế, thì điện chạy bằng than, bằng dầu, bằng khí vẫn được duy trì, huy động để bảo đảm an toàn hệ thống điện.
Nội dung & Trình bày: Nguyên Thảo
Ảnh: Văn phòng Quốc hội