Hai vợ chồng tại Nghệ An đã bị ngộ độc sau khi ăn thịt cc, mặc d người dân địa phương đã đưa đi cấp cứu, nhưng các nạn nhân đều bị tử vong.
Thông tin từ ông Trần Văn Trúc – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Lộc, Nghệ An xác nhận, trên địa bàn xã Nghi Thạch vừa xảy ra vụ ngộ độc thịt cóc khiến hai vợ chồng tử vong.
Thịt cóc chứa nhiều dinh dưỡng nhưng rất dễ gây ngộ độc - Ảnh minh họa.
Trước đó, vào khoảng 11h30 ngày 11/1, anh Nguyễn Văn Cương (SN1960) trú Đông Thạch, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, Nghệ An cùng với vợ là chị Nguyễn Thị Hiên (1961) làm thịt cóc để ăn cơm trưa.
Sau khi ăn thịt cóc khoảng 2 tiếng (khoảng 14h30), chị Hiên đau bụng, nôn mửa và đi tìm chồng để đưa đi bệnh viện thì thấy anh Nguyễn Văn Cương đã tử vong trước đó tại nhà.
Sau đó, chị Hiên được hàng xóm đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Lộc. Do bệnh nặng, nạn nhân cũng đã tử vong, đến 17h cùng ngày gia đình đã đưa nạn nhân về nhà để lo thủ tục.
Ngay sau khi nắm được sự việc, Công an huyện Nghi Lộc và Ban công an xã Nghi Thạch đã có mặt để ghi nhận tình hình, tìm hiểu sự việc nhưng người thân vợ chồng ông Cương từ chối giám định tử thi nên không rõ nguyên nhân tử vong của ông C., bà H”, ông Nguyễn Văn Hiền – Phó Trưởng Công an xã Nghi Thạch (Nghi Lộc, Nghệ An) cho hay.
Thời gian gần đây, truyền thông đưa tin về nhiều trường hợp tử vong do ăn thịt cóc. Nhưng dường như nhiều người dân vẫn thờ ơ với độc tố có thể giết người của cóc.
Một phần nguyên nhân của sự thờ ơ này là do từ xưa dân gian cho rằng, thịt cóc chứa nhiều dinh dưỡng, như "thần dược" chống còi xương, suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Sơ chế thịt cóc sai cách sẽ dẫn đến ngộ độc, tử vong - Ảnh minh họa
Thịt cóc không gây chết người nhưng ở một số bộ phận của con cóc như gan, trứng, da, mủ, mắt, hạch thần kinh chứa rất nhiều độc tố bufotoxin, có thể gây tử vong trong thời gian rất ngắn. Trên mình cóc còn chứa độc tố tetrodotoxin.
Đây là loại độc tố thần kinh, nếu người ăn phải độc tố này sẽ xuất hiện triệu chứng về thần kinh như méo miệng, tim đập nhanh, tăng huyết áp... Chưa kể, độc tố của cóc không tự hủy khi đun nấu ở nhiệt độ cao, ngâm nước muối hoặc dầu mỡ chiên rán... Vì vậy, khi chế biến chỉ cần chất độc dây vào, da hoặc bất cứ phần nào cũng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Đặc biệt, đối tượng ăn cóc đều là trẻ nhỏ, người già hay những người yếu, suy nhược cơ thể nên khả năng chống độc tố là rất thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến độc tố của thịt cóc phát tán nhanh hơn trong cơ thể và gây ra tử vong cao.
Do đó, các bà mẹ có con bị còi xương hay suy dinh dưỡng tuyệt đối không nên dùng thịt cóc làm món ăn cho con, cũng không nên mua bột cóc không rõ nguồn gốc. Thay vào đó, các bà mẹ có thể cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa, lươn, thịt, cá, tôm, cua, trứng… cho trẻ tắm nắng thường xuyên để hấp thu tốt vitamin D.