Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN, diễn ra tối ngy 12/11.
Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN với chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, năng động, bền vững và bao trùm trong thế giới hậu COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị
Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020. Lãnh đạo các nước ASEAN, đại diện Lãnh đạo nữ các nước ASEAN và Hoàng hậu Vương quốc Hà Lan Maxima, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và Tổng Thư ký ASEAN cũng tham dự Hội nghị từ nhiều đầu cầu khác nhau trên thế giới.
Đây là một trong những hoạt động chính của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, là hoạt động quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm Liên Hợp Quốc thông qua Cương lĩnh Bắc Kinh về bình đẳng giới, 20 năm Nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an về phụ nữ-hoà bình-an ninh, tròn 5 năm thành lập Cộng đồng ASEAN và triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững tới 2030, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đồng thời, đây cũng là sáng kiến của Việt Nam trong năm ASEAN 2020.
Phụ nữ là những “người anh hùng thầm lặng”
Khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong phát triển của quốc gia, cũng như trong tiếp cận và giải quyết những thách thức an ninh đa chiều, đa dạng đang đặt ra cho cộng đồng khu vực và quốc tế. Thủ tướng chỉ ra rằng phụ nữ thế giới và khu vực vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó có tình trạng bất bình đẳng, thiệt thòi nhiều mặt trong cuộc sống thường nhật, chịu nhiều mất mát trong hoàn cảnh dịch bệnh… Do đó, Thủ tướng đề nghị Hội nghị trao đổi, đưa ra các giải pháp, xác định phương thức bảo vệ nữ quyền, hỗ trợ phụ nữ phát huy vai trò và đóng góp cho xây dựng Cộng đồng ASEAN, phục hồi tổng thể sau dịch bệnh…
Các đại biểu chia sẻ quan điểm của Chủ tịch Hội nghị, theo đó phụ nữ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Đặc biệt, theo khảo sát được Ngân hàng Thế giới, ở khu vực Đông Á, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành, chiếm tỷ lệ hơn 70% số lượng nhân viên y tế, phụ nữ là những người phải chịu nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng lại nhận được ít hỗ trợ hơn so với nam giới. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 còn ảnh hưởng nặng nề đến 1/3 số lượng doanh nghiệp nữ tại khu vực này.
Các đại biểu cũng ghi nhận những nỗ lực không ngưng nghỉ của ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao nữ quyền và vai trò của phụ nữ và các em gái. Các cơ chế hợp tác của ASEAN về bình đẳng giới, thúc đẩy nữ quyền như Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW), Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC), Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN đang phát huy hiệu quả trong nội dung này. Nhiều đại biểu chỉ ra rằng ASEAN đã và đang hưởng lợi nhiều từ những thành quả này.
Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định phụ nữ đang là những “người anh hùng thầm lặng”, đóng góp quan trọng cho mọi lĩnh vực đời sống quốc gia kể cả chính trị, y tế, nhân đạo, hòa bình hòa giải cũng như trong từng gia đình. Tỉ lệ phụ nữ lãnh đạo ở ASEAN đạt 35%. Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch thực hiện vừa được các Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Cấp cao ASEAN-37 đã ưu tiên lồng ghép giới và đáp ứng giới trong các hành động cụ thể.
Mặc dù vậy, các đại biểu cũng cho rằng chưa thể hài lòng với những kết quả này. Các nước chia sẻ mong muốn có nhiều hơn nữa các Lãnh đạo nữ ASEAN trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, hợp tác xây dựng những nền tảng vững chắc, hệ sinh thái đa dạng để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển. Các nhà lãnh đạo cũng cho rằng cần có những ghi nhận mới về vai trò và tầm quan trọng của phụ nữ trong xây dựng Cộng đồng, phụ nữ chính là động lực chính để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng bao trùm, gắn kết.
Các đại biểu quốc tế đề xuất một số biện pháp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, tăng quyền năng cho phụ nữ như tạo điều kiện cho phụ nữ gia tăng tiếp cận với dịch vụ tài chính chi trả số, tạo cơ hội tham gia kinh tế số, đề xuất lập Nhóm Công tác ASEAN về tài chính bao trùm cũng như các biện pháp bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với kết nối số và tái tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội sau dịch bệnh.
Cần đặt người phụ nữ vào trung tâm công cuộc tái thiết và phục hồi
Đại diện cho Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm của các Lãnh đạo ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đề nghị ASEAN tiếp tục duy trì đà hợp tác trong lĩnh vực này để xây dựng một Cộng đồng ngày càng gắn kết, bền vững và bao trùm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phụ nữ ASEAN chiếm gần một nửa (48,7%) dân số trong độ tuổi lao động, đang đóng góp đáng kể vào sự phồn vinh của khu vực và nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, phụ nữ chính là “người nắm tay hòm chìa khóa, đóng vai trò quan trọng trong quá trình khắc phục và vượt lên khủng hoảng.”
Để tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp thiết thực của phụ nữ cho công cuộc phục hồi toàn diện và bền vững của ASEAN, cũng như trong củng cố và xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra một số đề xuất:
Thứ nhất, để vượt qua đại dịch, điều kiện tiên quyết cần phải bảo đảm những quyền lợi chính đáng về kinh tế và sức khỏe của phụ nữ bằng những giải pháp hiệu quả và kịp thời, cũng như bảo đảm rằng các nỗ lực quốc tế, khu vực và quốc gia về bình đẳng giới tiếp tục được duy trì, thúc đẩy và không bị cản trở bởi đại dịch.
Thứ hai, xây dựng, triển khai những chính sách phù hợp, trong đó cần bảo đảm phụ nữ là nhân tố chủ chốt và là đối tượng được hưởng thụ những thành quả từ quá trình phục hồi. Theo đó, ASEAN cần đặt phụ nữ vào trọng tâm công cuộc tái thiết và phục hồi; tăng cường vai trò lãnh đạo và tiếng nói của phụ nữ trong các quá trình đưa ra quyết sách, cũng như cần tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, củng cố sự tự cường của Cộng đồng trước những cú sốc bên ngoài.
Thứ ba, đưa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thành một ưu tiên quan trọng trong tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025. Trước những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của môi trường quốc tế và khu vực, ASEAN cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo và hiệu quả hơn để phát huy vai trò của phụ nữ trên mọi phương diện, đặc biệt là cần tận dụng các lợi ích do tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số mang lại để nâng cao năng lực và phát huy tiềm năng của phụ nữ.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để hiện thực hóa các vấn đề trên, năm 2021 Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức Diễn đàn cấp cao ASEAN về vai trò của phụ nữ đóng góp cho phục hồi toàn diện và bền vững.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với sự tham dự của các lãnh đạo nữ trong khu vực, các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, các học giả và doanh nghiệp, Diễn đàn sẽ đưa ra các khuyến nghị thiết thực để lồng ghép vào các chương trình hợp tác của ASEAN hiện nay, hỗ trợ triển khai Khuôn khổ phục hồi tổng thể ASEAN vừa được Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 thông qua, cũng như bổ trợ cho tiến trình xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025.
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã ra Tuyên bố Báo chí của Hội nghị.