Việc triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam. Trên cơ sở pháp lý vững chắc, những quyết sách được xem xét, quyết định nơi nghị trường đã tạo thời cơ mới cho đất nước, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của đồng bào và cử tri.
Việc triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam. Trên cơ sở pháp lý vững chắc, những quyết sách được xem xét, quyết định nơi nghị trường đã tạo thời cơ mới cho đất nước, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của đồng bào và cử tri.
Quốc hội khóa XV trải qua nửa nhiệm kỳ đã để lại nhiều dấu ấn đổi mới, với nhiều quyết định chưa có tiền lệ trên tinh thần nhất quán, mọi quyết sách của Quốc hội đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Không nặng về "Xuân – Thu nhị kỳ", Quốc hội sẵn sàng họp, xem xét những vấn đề cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV (diễn ra từ 4 - 11/1/2022) càng cho thấy điều đó.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri, Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV; đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước; Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội được tổ chức nhằm kịp thời đưa ra những quyết sách để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức một kỳ họp bất thường và tổ chức họp trực tuyến cả kỳ họp.
Thành công của 4 kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri và nhân dân.
Những kết quả tại kỳ họp rất quan trọng, vừa có tính chiến lược phát triển lâu dài, vừa cấp bách giải quyết các vấn đề dân sinh trước mắt. Hơi thở cuộc sống kịp thời chuyển tải vào nghị trường giúp cho các chính sách sớm được thực thi có hiệu quả. Những vướng mắc, bất cập từ thực tế cuộc sống không thể chờ những quyết sách tại thời điểm mang tính định kỳ của kỳ họp Quốc hội.
Bên cạnh đó, tinh thần và kết quả của kỳ họp tiếp tục tạo ra những khí thế mới cùng các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng đất nước sẽ vững vàng vượt qua những khó khăn để không ngừng phát triển…
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, họp "bất thường" để xử lý vấn đề cấp bách trước thực tiễn đất nước. Kỳ họp bất thường là vì quốc kế dân sinh, vì sự phát triển của đất nước. Việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà để 6 tháng sau mới giải quyết thì tốc độ phát triển của đất nước sẽ chậm đi ít nhất 6 tháng, chưa kể có độ trễ và về nguyên tắc sẽ còn chậm hơn nữa.
"Nhiều dự án, vấn đề hay đề nghị của địa phương, doanh nghiệp rất cần tiến độ thời gian, mà chúng ta chậm cho ý kiến thì họ nghĩ là có chuyện này, chuyện kia, chưa kể làm dự án chậm sẽ dẫn đến mất cơ hội cạnh tranh. Chúng ta cần phải linh hoạt, vì thế Chủ tịch Quốc hội đã nói rõ "kỳ họp bất thường là hoạt động bình thường" để đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, cùng Chính phủ để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra", Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Thực tiễn chứng minh nếu Quốc hội không cùng với Chính phủ có những quyết đáp nhanh chóng sẽ làm lỡ thời cơ của đất nước. Lần đầu tiên Quốc hội chủ động tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất ngay vào những ngày đầu tiên của năm 2022 nhằm giải quyết kịp thời, cấp bách hai nhiệm vụ song song, đó là vừa phòng, chống hiệu quả đại dịch Covid-19 và vừa phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, xã hội, không chỉ đáp ứng cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường đã được đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm, đánh giá cao; đặc biệt là gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế gần 350.000 tỷ đồng (tương ứng với trên 8% GDP) và việc Quốc hội ban hành 1 Luật sửa đổi 9 Luật,... thực sự là nguồn lực và căn cứ pháp lý quan trọng để Chính phủ, các địa phương triển khai thực hiện, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngày 11/1/2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Với quy mô gần 350.000 tỷ đồng được ban hành trong một kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ, đã mở ra cơ chế đặc biệt, trong đó các quy trình, thủ tục được đơn giản hóa tối đa, phân cấp mạnh mẽ tới từng bộ, ngành, địa phương mà lâu nay chưa từng áp dụng.
Từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về triển khai thực hiện Nghị quyết 43 và 17 văn bản quy phạm pháp luật khác tạo khung pháp lý tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Gieo mầm tốt để hái quả ngọt! Thời điểm 1 năm trước, nhiều đại biểu Quốc hội phân vân về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình là 6,0 đến 6,5% khi mà bối cảnh hàng loạt thách thức đã và đang đặt ra. Song, những con số được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội cuối năm 2022 - năm bản lề của nhiệm kỳ trong thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đã cho thấy một bức tranh nhiều điểm sáng: Thu ngân sách lập kỷ lục, vượt xa so với dự toán; bội chi, nợ công trong tầm kiểm soát; GDP năm 2022 cả năm tăng 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 và thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới; các cân đối lớn được đảm bảo. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế do tác động từ nhiều yếu tố, trong đó thể hiện kết quả điều hành của Chính phủ cũng như các bộ, ngành; sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, đội ngũ doanh nghiệp, song đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ rất kịp thời, hiệu quả của Quốc hội qua quyết sách "đặc biệt, đặc cách, đặc thù".
Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Kỳ họp bất thường cho thấy quyết tâm của Quốc hội Khóa XV tiếp tục kế thừa và "gạn đục, khơi trong" để tìm kiếm dư địa hoạt động mới, thực sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, thể hiện đúng tinh thần Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam; Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Đặc biệt, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường đã khẳng định thông điệp về một Quốc hội luôn đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân.
Tuyến bài: NHỮNG QUYẾT SÁCH ĐẶC BIỆT VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC
Bài 1: Quyết định lịch sử vì thời cơ của đất nước
Bài 2: Công tác nhân sự chủ chốt và yêu cầu cấp bách trong quản trị quốc gia
Bài 3: Dư âm tích cực từ những quyết đáp hợp Hiến, hợp lòng dân
Nội dung: Mai Thoa - Trang Nhi - Nguyên Thảo -Nguyễn Dương
Ảnh: Tư liệu, VGP, Văn phòng Quốc hội