Nếu như trước đây, nhắc đến Thái Nguyên ai trong bất cứ chúng ta đều nhớ về miền đất thủ đô kháng chiến Việt Bắc. Từ sự kiên cường trong kháng chiến, mảnh đất cách mạng hôm nay đã vươn mình trong thời bình bằng những kết quả đột phá ấn tượng, xứng đáng trở thành trung tâm vùng núi phía Bắc.
Nếu như trước đây, nhắc đến Thái Nguyên ai trong bất cứ chúng ta đều nhớ về miền đất thủ đô kháng chiến Việt Bắc. Từ sự kiên cường trong kháng chiến, mảnh đất cách mạng hôm nay đã vươn mình trong thời bình bằng những kết quả đột phá ấn tượng, xứng đáng trở thành trung tâm vùng núi phía Bắc.
Tạo ra kết nối hợp nhất với hệ thống giao thông liên tỉnh hiện đại
Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên luôn đặt mục tiêu hợp tác, liên kết vùng, cùng các địa phương khác chung tay phát triển. Năm 2023, Thái Nguyên ước đạt mức tăng trưởng trên 5%, tiếp tục là tỉnh dẫn đầu về chỉ số tăng trưởng kinh tế trong vùng Trung du miền núi phía Bắc. Thu ngân sách toàn tỉnh dự ước đạt 20.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Với kết quả này, Thái Nguyên chính thức lọt Top 18 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi.
Một trong yếu tố quyết định sự thay đổi của tỉnh Thái Nguyên phải kể đến hệ thống giao thông rất hiện đại. Điều này theo từng giai đoạn phát triển được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, xây dựng. Phát triển hạ tầng giao thông vận tải tạo sự liên kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các cụm công nghiệp chế biến là một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tập trung triển khai cụ thể hóa 05 định hướng phát triển thành 12 chương trình, 32 đề án, 21 kế hoạch. Trong đó, đáng chú ý là chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển nông lâm nghiệp thủy sản, xây dựng nông thôn mới; các đề án cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Phổ Yên; các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch và triển khai thực hiện tuyến đường vành đai V, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 qua địa phận tỉnh Thái Nguyên...
Đường Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 18/2000/QĐ-TTg ngày 03/2/2000 và Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể số 2/QĐ-TTg ngày /02/2007 với tổng chiều dài là 3.167km (trong đó, tuyến chính dài khoảng 2.667 km, tuyến phía Tây khoảng 500km) với điểm đầu tuyến tại Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng, điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau, đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố. Đây là tuyến đường huyết mạch chạy dọc phía Tây đất nước từ Bắc vào Nam, mang ý nghĩa to lớn về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng.
Mới đây, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, phê duyệt báo cáo khả thi dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) - ngã ba Trung Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang).
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng với điểm đầu tại thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; điểm cuối tại ngã ba Trung Sơn, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Tuyến đường dài 28km, không bao gồm cầu Bến Nước, Suối Cóc và 1,2km đường dẫn đầu cầu đang sử dụng. Trong đó đoạn qua tỉnh Thái Nguyên dài 12km và qua Tuyên Quang dài 16km. Đường tiêu chuẩn cấp 3 miền núi, vận tốc thiết kế 60km/h, các đoạn khó khăn 40km/h, quy mô mặt cắt ngang cho 2 làn xe cơ giới, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 6m. Đây là tuyến đường có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc kết nối giao thương, kết nối văn hóa, du lịch, giáo dục...
Bên cạnh đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, cùng với các công trình, dự án giao thông, xây dựng, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh, đường địa phương, Thái Nguyên đã tích cực, chủ động trong việc triển khai các dự án đường liên kết, kết nối Thái Nguyên với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Trong đó, tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc là dự án hạ tầng giao thông vận tải có quy mô lớn, đang được tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa tuyến đường vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đây là một trong các nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng; tuyến chính dài 36,51 km, đoạn nối với tỉnh Vĩnh Phúc và đường tỉnh ĐT261 dài 6,04km. Điểm đầu là cầu Hòa Sơn, nối với huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; điểm cuối giao đường tỉnh ĐT261 tại Km11+500 thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Khi dự án hoàn thành, đi vào khai thác sẽ đem lại lợi ích đột phá về hạ tầng giao thông liên vùng; rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian di chuyển, kết nối liên khu vực giữa vùng Thủ đô và các tỉnh vùng trung du miền núi; đồng thời tạo quỹ đất phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hai bên tuyến đường; tạo điều kiện hình thành một số khu vực trọng điểm phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp ưu tiên mang tính đột phá… Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Để khơi thông được nguồn lực của các tỉnh vùng Việt Bắc, ngoài tiếp tục cụ thể hóa các cơ chế, chính sách lớn trong Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, việc tiên quyết là sớm khởi công các tuyến cao tốc, như: Thái Nguyên - Bắc Kạn; Bắc Kạn - Ba Bể; Thái Nguyên - Lạng Sơn và tuyến cao tốc nối các cửa khẩu của Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn. Giao thông kết nối sẽ như mạch máu, tạo cú hích, sự liên kết về mọi mặt đối với các tỉnh vùng Việt Bắc và lớn hơn là cả các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông liên kết, kết nối các tỉnh tạo ra sức mạnh tổng thể. Cụ thể Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc được Ngân hàng Thế giới (WB) (gọi tắt là Dự án) tài trợ thông qua Hiệp định cấp vốn số 5476-VN ngày 17/7/2014 được ký giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế. Những năm qua, với sự nỗ lực của ngành giao thông vận tải cũng như các địa phương, hàng loạt dự án giao thông tại các tỉnh miền núi phía Bắc được triển khai, từng bước thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông khu vực. Đầu tư 5.378 tỷ đồng kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc. Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Thái Nguyên là trung tâm giáo dục trọng điểm quốc gia ở khu vực Trung du, miền núi phía Bắc
Thái Nguyên hiện là trung tâm giáo dục và đào tạo lớn thứ 3 cả nước và trung tâm giáo dục của khu vực trung du, miền núi phía Bắc với hệ thống các cơ sở đào tạo nhiều bậc trình độ khác nhau. Riêng Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) có 7 trường đại học thành viên cùng các trường, khoa, phân hiệu và đơn vị trực thuộc. Về nguồn nhân lực, đơn vị này có 3.627 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên; trong đó có 2.400 giảng viên (8 giáo sư, 128 phó giáo sư, 795 tiến sĩ và 1.794 thạc sĩ; giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 33%).
ĐHTN hiện có gần 310 chương trình đào tạo, trong đó có 10 ngành đào tạo chương trình tiên tiến, gần 30 chương trình đào tạo trọng điểm định hướng chất lượng cao và chương trình liên kết đào tạo từ trình độ đại học tới tiến sĩ với nước ngoài. Bên cạnh việc phối hợp, liên kết trong đào tạo, các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với nhiều tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc cũng đã được triển khai. Nhiều lĩnh vực của đời sống đã được ĐHTN liên kết với các địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của thực tế.
PGS.TS. Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN, cho biết: Các đơn vị của ĐHTN đã có mối liên kết tốt với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung để tạo điều kiện cho các trường và cho các đơn vị của Đại học có điều kiện liên kết và phối hợp phục vụ tốt cho đào tạo, nghiên cứu. Đây vừa là chủ trương của Đại học vừa là yêu cầu của thực tiễn. ĐHTN sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong thời gian tới.
Riêng đối với tỉnh Thái Nguyên, ĐHTN đã có những hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Đến hết năm 2021, ĐHTN và tỉnh Thái Nguyên đã triển khai trên 30 đề tài Khoa học công nghệ cấp tỉnh và thực hiện nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chương trình ĐHTN ký với UBND tỉnh Thái Nguyên đã có 7 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt, triển khai, với tổng kinh phí thực hiện trên 90 tỷ đồng; 3 nhiệm vụ đã được Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh nghiệm thu…
Như vậy có thể thấy, hoạt động chuyển giao khoa học, công nghệ và tư vấn chính sách của các nhà khoa học ĐHTN đã như dòng suối tri thức “chảy ngược”, góp phần hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Kết nối du lịch vùng Việt Bắc
Nằm trọn trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, vùng Việt Bắc có tổng diện tích tự nhiên trên 37.200km2, dân số trên 4,5 triệu người, là vùng đất mang đậm nhiều dấu ấn lịch sử, tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa đa dạng, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc phong phú, được gìn giữ từ đời này qua đời khác. Với nhiều lợi thế, ở cấp độ khác nhau, các tỉnh trong vùng đều xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương.
Với tiềm năng, thế mạnh riêng, ở cấp độ khác nhau, các địa phương vùng Chiến khu Việt Bắc đều xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết 08, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy các tỉnh đã ban hành Nghị quyết, Chương trình về phát triển du lịch, nhằm đưa ngành du lịch ở mỗi địa phương phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh, góp phần đưa du lịch toàn vùng phát triển lên tầm cao mới.
Các tỉnh chiến khu Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, với hệ thống những điểm di tích quan trọng của quốc gia, như: ATK Pác Bó (Cao Bằng), ATK Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn).
Nơi đây cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông, hồ, thác nước, hang động hùng vĩ, những địa danh nổi tiếng như: Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Danh thắng Quốc gia Đặc biệt Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang)… được đánh giá là điểm đến thú vị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế.
Để thực hiện khát vọng phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của mỗi tỉnh, Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức hàng năm đều được các tỉnh chủ nhà có cách thức tổ chức quảng bá riêng, có chương trình kế hoạch cụ thể gắn kết các chuỗi sự kiện của tỉnh và của các tỉnh trong khu vực, tạo ra hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền quảng bá; các nội dung được dàn dựng công phu, thể hiện những đặc trưng văn hóa, thế mạnh du lịch vùng miền các tỉnh và khu vực Việt Bắc.
Nhằm xây dựng một sự hợp tác, liên kết phát triển xa hơn cho du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc, cũng như phát huy thế mạnh của các địa phương trong khu vực, ngày 12/5/2023, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì tổ chức Hội nghị hợp tác liên kết phát triển hiệp hội du lịch 6 tỉnh: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hà Giang, Lạng Sơn để đưa ra những giải pháp liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững… Từ đó, tạo bước đột phá, chuyển từ du lịch Điểm sang Vùng, xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch vùng Việt Bắc hiện đại, bản sắc, chất lượng, thân thiện và an toàn, là cầu nối giúp các doanh nghiệp mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch Việt Bắc với cả nước.
6 tỉnh Việt Bắc đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2027 và công bố 3 sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc gồm: Sản phẩm “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”; sản phẩm “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”; sản phẩm “Từ chiến khu cách mạng Tân Trào đến mặt trận biên giới Vị Xuyên”.
Ngoài ra, ngành du lịch Thái Nguyên còn tham gia chương trình liên kết giữa các tỉnh có chung dãy núi Tam Đảo với Hà Nội (Hà Nội - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Vĩnh Phúc); chương trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trên trục Quốc lộ 37 (Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương và Quảng Ninh); chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Đông Bắc; chương trình phát triển du lịch cụm hiệp hội du lịch 16 tỉnh phía Bắc.
Nhiều tour du lịch đã được doanh nghiệp xây dựng, là kết quả của hợp tác liên tỉnh, liên vùng đã được Thái Nguyên thực hiện nhiều năm qua. Các tour ngắn ngày, du khách có thể tham quan Thái Nguyên kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm - chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang); Khu di tích lịch sử Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Hạ Long (Quảng Ninh)… Các chương trình dài ngày như tour “khám phá 6 tỉnh Việt Bắc” hoặc “khám phá Đông Bắc”, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều cảnh quan tuyệt đẹp và trải nghiệm bản sắc của những vùng đất còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mông, Dao, Cao Lan, Sán Dìu, Lô Lô… được thể hiện qua các phong tục, tập quán, nghi thức dân gian, dân ca, dân vũ cùng các lễ hội truyền thống đặc sắc như lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn.
Trong 14 năm qua, tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh Việt Bắc đã liên kết với nhau để hình thành chuỗi liên kết các tỉnh thông qua chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Cao Bằng
Sau 14 năm hình thành và phát triển, Chương trình đã tạo ra liên kết phát triển vùng trong 6 tỉnh Việt Bắc. Tour, tuyến, sản phẩm du lịch được hình thành. Lượng khách du lịch đến các tỉnh đều tăng. Trong giai đoạn 2009 - 2022, 6 tỉnh đã thu hút trên 71 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân trên %/năm. Thu nhập xã hội du lịch đạt trên 50.000 tỷ đồng, góp phần đóng góp vào GRDP của mỗi tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương
Việt Bắc là quê hương của cách mạng – thủ đô trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Những tháng ngày gian khổ ấy, Hồ Chủ tịch đã ở đây cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân đi đến Cách mạng tháng Tám thành công. Việt Bắc còn là nơi có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch biên giới, với những điểm di tích nổi tiếng.
Chúng ta cùng đến với Việt Bắc, qua từng miền đất với những danh thắng nổi tiếng, địa danh lịch sử hào hùng của dân tộc trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng và cùng khám phá về mảnh đất và con người Việt Bắc hôm nay.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đề nghị các tỉnh Việt Bắc và cộng đồng doanh nghiệp du lịch xác định cách tiếp cận mới trong việc xây dựng liên kết vùng và nhìn nhận toàn diện những khó khăn, thách thức để liên kết chặt chẽ và cụ thể hơn, không để xảy ra tình trạng trùng lặp, na ná về sản phẩm du lịch giữa các địa phương. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để sự liên kết bền vững và phát huy hiệu quả, các địa phương cần chú trọng vai trò của doanh nghiệp, đồng thời, làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch.
Còn nữa....