Bình Thuận vẫn dùng nội lực của địa phương để hồi phục, hỗ trợ nông dân, tập trung phát triển vùng chuyên canh, củng cố sức sống cho cây thanh long, tiếp tục mở rộng thị trường. Cho đến nay, chuỗi giá trị thanh long đã… thành hình.
Lấy nông dân làm động lực phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng đánh giá trong lĩnh vực nông nghiệp, thanh long là một trong những cây có lợi thế của Bình Thuận, có điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển.
Vì vậy, khi cả “ba nhà” (nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông) cùng đồng tâm để giảm khí thải nhà kính, đầu tư vào tín chỉ carbon, sẽ giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ thanh long từng bước phục hồi ổn định, nhất là thiết lập sản xuất theo hướng xanh hóa, thân thiện với môi trường.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, Bình Thuận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) hỗ trợ tham gia Chương trình thí điểm thu hút sự tham gia của nông dân từ các hợp tác xã và nhiều doanh nghiệp trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long.
Qua đó, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch ban đầu để phát triển sản xuất theo hướng xanh hóa sau đại dịch Covid-19 và tiếp tục chuyển chuỗi cung ứng thanh long sang các hoạt động với mục tiêu phát triển bền vững như: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng.
Kết quả đã có trên 80.000 bóng đèn LED 9W tiết kiệm năng lượng được chuyển đổi với 100% hộ thành viên tại các hợp tác xã chuyển đổi từ bóng đèn Compact sang sử dụng đèn Led 9w, tiết kiệm được hơn 55% điện năng tiêu thụ, góp phần giảm tới 68% lượng khí thải; áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đã giảm 41,67% lượng nước sử dụng; đẩy mạnh công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng xanh qua lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ đóng gói sản phẩm và phục vụ tưới cây…
Theo ông Đoàn Anh Dũng, mọi kế hoạch đều phải lấy nông dân làm động lực phát triển và để cây thanh long sớm trở thành “biểu tượng nông nghiệp”, tỉnh Bình Thuận vẫn tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị thanh long, qua các hoạt động: Phát triển hạ tầng, cơ chế, chính sách; tăng cường quản lý nguồn nhân lực; tập trung nghiên cứu phát triển (R&D); cải thiện hoạt động logistics; tăng chất lượng đầu vào; kiểm soát quy trình sản xuất; nâng cao hiệu quả đầu ra; phát triển hệ thống phân phối, marketing.
Cụ thể hơn, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có Quyết định Số 9/QĐ-UBND về Phê duyệt “Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030”. Đây chính là quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận và là giải pháp căn cơ để xây dựng vùng sản xuất thanh long tập trung, ổn định diện tích trên toàn tỉnh khoảng 25.000 ha, nằm tại các huyện trọng điểm gồm: Hàm Thuận Nam 12.600 ha, Hàm Thuận Bắc 5.000, Bắc Bình 3.000 ha và Hàm Tân 2.000 ha.
Trong Đề án này, tỉnh Bình Thuận cũng xác định nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là ưu tiên bố trí ngân sách cho đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu sản xuất thanh long và xây dựng trung tâm logistics thanh long, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ;
Đầu tư xây dựng hồ và hệ thống thủy lợi gắn với triển khai hệ thống kênh nhánh, kênh tiếp nước liên huyện phía Nam tỉnh, kênh chính Bắc Sông Quao, để đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất; đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi không để úng nước, không để hạn thiếu nước; đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện, bảo đảm nguồn điện ổn định cho người trồng thanh long chong đèn trái vụ…
Buộc phải phát triển phân phối đa kênh
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, Phan Văn Tấn cho hay, tỉnh Bình Thuận sẽ phát triển mô hình hợp tác xã thanh long kiểu mới, có vùng nguyên liệu tập trung, chủ động truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, tiêu thụ sản phẩm bảo đảm minh bạch thông tin theo Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện liên kết với doanh nghiệp để cùng sản xuất, tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị theo Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND ngày 19/12/2019 của HĐND tỉnh.
Ông Phan Văn Tấn chắc chắn rằng, tỉnh Bình Thuận sẽ ưu tiên giải “bài toán” đầu ra cho thanh long, sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kênh tiêu thụ cho người trồng thanh long và doanh nghiệp chế biến. Ngoài ra, tỉnh cũng chủ động hội nhập, quan tâm phát triển thị trường thanh long trong nước, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Đối với thị trường trong nước, tỉnh sẽ giữ vững và xây dựng hình ảnh, thương hiệu thanh long ruột trắng Bình Thuận gắn với chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm thanh long ruột trắng Bình Thuận; đẩy mạnh hơn nữa kết nối hệ thống phân phối từ vùng chuyên canh thanh long đến các hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm đến du lịch; tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sản xuất kinh doanh, liên kết với các nhà hàng, siêu thị, điểm đến du lịch…
Còn với thị trường xuất khẩu, tỉnh sẽ chủ động giữ ổn định các thị trường truyền thống, tiếp tục mở rộng thị trường mới, có giá trị gia tăng cao; trong đó, chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường khác như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, ASEAN, EU.
“Muốn thanh long có chỗ đứng trên thị trường và được giá thì cần có sự tham gia góp sức của cả chính quyền, doanh nghiệp và nông dân. Nghĩa là, cơ quan chức năng sẽ quản lý giống thanh long theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; tuân thủ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; quản lý chặt chẽ vật tư được sử dụng trong sản xuất như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất phụ gia.
Doanh nghiệp sẽ đảm đương việc nghiên cứu, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu “Thanh long Bình Thuận”. Còn nông dân thì liên tục cập nhật kiến thức, nâng cao khả năng trồng và chăm sóc cây thanh long”, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận), Ngô Thái Sơn tiếp lời ông Tấn.
Đến nay, nhãn hiệu thanh long “Bình Thuận Dragon Fruit” đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại 14 nước và vùng lãnh thổ như: Khu vực Châu Mỹ là Mỹ; khu vực Châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Hà Lan; khu vực Châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Indonesia…
Với người trồng thanh long ở vùng đất đầy nắng và gió, họ sẽ không tiếc những giọt mồ hôi khó nhọc, mà chỉ mong mỏi “thành quả lao động” sẽ được đến muôn nơi, sẽ được đón nhận nồng nhiệt. Và chắc chắn “Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030” của UBND tỉnh Bình Thuận sẽ từng bước hiện thực niềm mong mỏi ấy.
Xây dựng tác phong “hành chính phục vụ”
Bình Thuận trước tiên sẽ xây dựng tác phong “hành chính phục vụ” để kết nối chặt chẽ với người dân và doanh nghiệp. Sau đó, tỉnh sẽ nghiêm túc thực hiện “Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030”.
Cụ thể, tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan thường xuyên khuyến khích người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cùng tham gia thực hiện Đề án.
LOẠT BÀI: Bình Thuận làm gì để cây thanh long trở thành “biểu tượng nông nghiệp”?
Bài 1: "Chìm nổi" cùng cây thanh long
Bài 2: Cả "ba nhà" cùng xây...
Bài 3: Chuỗi giá trị thanh long đã thành hình