Văn hóa - Du lịch

Bài cuối: Đột phá từ chính sách

Nguyên Thảo 30/06/2023 14:56

Được ví là “mỏ vàng” của du lịch Việt Nam, những năm qua du lịch cộng đồng đã có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả cần phải xây dựng được sản phẩm du lịch đa dạng và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Cùng với đó là có những cơ chế, chính sách rõ ràng trong việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng.

b5-bialongform(1).png
b5-tit-1.png

Du lịch cộng đồng tại Việt Nam với tiềm năng và thế mạnh của mình được nhiều chuyên gia du lịch đánh giá là một "mỏ vàng", hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch quốc gia và người dân tại các địa phương. Song nhìn chung đến nay, loại hình này đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế; nếu không được khắc phục kịp thời và có những sáng tạo, đổi mới thì không thể phát triển bền vững. 

Trên thực tế, ở nhiều địa phương, du lịch cộng đồng chưa có sự đầu tư bài bản, không có quy hoạch tổng thể ở cấp tỉnh, thành phố và vùng miền, dẫn đến tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên và có thể làm biến dạng văn hóa; sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn, trùng lặp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông chưa phát triển... 

Ở nhiều nơi, việc chia sẻ lợi ích giữa các bên còn thiếu tính minh bạch, sự liên kết giữa chính quyền địa phương - cộng đồng - doanh nghiệp thiếu tính bền vững. 

Một số địa phương chạy theo thành tích, xây dựng nhiều mô hình thiếu tính thực tế, người dân không được trao quyền nên mô hình du lịch cộng đồng "chết yểu" sau một thời gian ngắn. Ngược lại, ở nhiều nơi phát triển quá "nóng" khiến cung lớn hơn cầu, cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm giảm giá trị cảnh quan, môi trường và văn hóa bản địa. Tình trạng bê tông hóa, mật độ xây dựng lớn, kiến trúc lai căng và xuất hiện những loại hình giải trí không phù hợp... đã làm mai một bản sắc văn hóa địa phương, khiến du khách không muốn quay lại.

dulich-4.jpeg
Du khách check in tại một điểm du lịch cộng đồng ở Hà Giang.

Theo TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm yếu nhất của du lịch cộng đồng là phát triển một cách ồ ạt, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc. Chính vì thế, các sản phẩm du lịch ra đời nghèo ý tưởng, rập khuôn, ở các địa phương khác hoàn cảnh địa lý tập quán sinh sống mà sản phẩm na ná nhau không có sức hấp dẫn... Nhiều nơi bà con đổ xô xây dựng homestay, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức quản lý, cho nên tình trạng dựng nhà lên rồi rơi vào cảnh "đắp chiếu" cũng không ít.

Bên cạnh đó, lề lối làm ăn thiếu chuyên nghiệp, chụp giật vẫn còn xảy ra đâu đó, vắng bóng vai trò quản lý của cơ quan chức năng.

b5-phamhonglong.png
dulich2.jpeg

Báo cáo mới đây của Tổng cục Du lịch về xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, trong thực tế, không phải tất cả các điểm đến, các bản du lịch cộng đồng đều được phát triển thành công. 

Nhiều điểm du lịch cộng đồng đang trong giai đoạn khởi phát, cần được hỗ trợ phát triển và cũng có không ít các bản, làng, điểm đến du lịch cộng đồng đã được hỗ trợ khá tốt qua các dự án từ trong và ngoài nước nhưng sau khi kết thúc dự án thì hoạt động du lịch lại không tiếp tục được duy trì tại đây do thiếu nguồn khách, thiếu người lãnh đạo trong cộng đồng, không có sự gắn kết với doanh nghiệp du lịch… 

Từ góc độ là người gắn bó với các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn bà con khởi nghiệp du lịch cộng đồng ở nhiều vùng miền trên cả nước, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho rằng: Kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất nhiều địa phương đã đồng loạt triển khai mô hình du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đó gặp rất nhiều khó khăn, như việc nhiều chính quyền địa phương chưa hiểu thế nào là du lịch cộng đồng dẫn đến một số nơi làm theo phong trào để lấy thành tích. Có nơi thì bắt chước chỗ khác hoặc xây dựng mô hình nhưng không cần biết quy chế, quy chuẩn hoặc những điều cần thiết để phát triển du lịch.

"Thậm chí, họ phá hết các cảnh quan văn hóa mà không hiểu rằng trong du lịch cộng đồng văn hóa bản địa chính là "chìa khóa". Làm du lịch cộng đồng vừa là bảo tồn văn hóa, vừa phát huy các giá trị vốn có của từng đồng bào, từ đó mới tạo sinh kế bền vững", ông Quỳnh nói.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng một số nơi chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan còn chậm vào cuộc, người dân nhiều khi quá sốt sắng dẫn đến làm du lịch với tâm lý "mạnh ai nấy làm", hoặc theo kiểu phong trào, kinh doanh theo kiểu "chộp giật" với tầm nhìn ngắn hạn, không được hoạch định có bài bản khiến việc phát triển du lịch cộng đồng xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế. 

b5-phamhaiquynh.png

Theo ông Quỳnh, cần thấy rằng, điều đầu tiên hấp dẫn và thu hút du khách lựa chọn hình thức du lịch cộng đồng là việc họ được trải nghiệm một không gian sống mới mang đậm dấu ấn của văn hóa bản địa. Thay vì được nghỉ dưỡng tại khách sạn với các phương tiện hiện đại, ăn những món ăn họ đã biết khi ở quê nhà, khi đến với du lịch cộng đồng, du khách lại có nhu cầu được sinh hoạt trong ngôi nhà truyền thống của người dân bản địa, không chỉ vãn cảnh nghỉ ngơi mà còn được tham gia lao động sản xuất, ăn các món ăn đặc sắc do chính người dân địa phương nấu nướng với gia vị đặc trưng, rồi mua sản vật của địa phương để kỷ niệm, làm quà...

Song thay vì khai thác triệt để lợi thế là nét độc đáo, đặc sắc về văn hóa của vùng miền, tại một số nơi lại đang có cách hiểu, cách làm chưa tương xứng. Như tình trạng đua nhau xây dựng các homestay phục vụ khách du lịch theo kiểu "tây" với các món ăn "tây", nhập hàng hóa từ nơi khác về bán cho du khách để có lợi nhuận cao hơn... 

Rõ ràng đây không phải là điều mà du khách mong muốn, chờ đợi, thậm chí còn gây phản tác dụng, ảnh hưởng về mặt lâu dài nếu cứ tiếp tục lối kinh doanh thiếu bản sắc, chắp vá, cóp nhặt này. 

Ở một số nơi, dù người dân đã biết tận dụng khai thác lợi thế của địa phương mình để làm du lịch, nhưng do thiếu tính tổ chức, thiếu sự chuẩn bị, thiếu kỹ năng, lại nóng vội thu lợi nhuận dẫn đến tình trạng "nhà nhà đua nhau làm du lịch", người người đều có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch, thậm chí tạo nên tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, thu hút khách bằng mọi giá... Bên cạnh đó là hiện tượng chèn ép, tăng giá xảy ra ở một số nơi, chất lượng dịch vụ không bảo đảm, nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch vụ lưu trú chưa thực sự được chú trọng, gây ức chế cho du khách. 

Chưa kể, vì lợi nhuận trước mắt đã xuất hiện tình trạng người dân ở một số địa phương đã bỏ nghề truyền thống, vốn là nét đặc sắc riêng của cộng đồng bản địa, để chạy theo du lịch, khiến cho sự đa dạng về cơ cấu ngành nghề đã bị thu hẹp, đơn điệu, mai một, làm giảm tính hấp dẫn của chính địa phương.

b5-tit2.png

Du lịch cộng đồng cần được coi trọng và là một trong những nội dung không thể thiếu trong các chính sách phát triển du lịch của Việt Nam trong thời gian tới, trong các chiến lược và đề án phát triển du lịch của các địa phương.

Theo đó, chính sách phát triển du lịch cộng đồng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn, các chính sách liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chính sách xóa đói giảm nghèo...

Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ thích đáng để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, bao gồm từ đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông đến hỗ trợ về đào tạo, phát triển dịch vụ, khôi phục và phát triển nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), đơn vị được Tổng cục Du lịch giao nhiệm vụ xây dựng "Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng" cho biết: "Để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả và bền vững ở Việt Nam, cần định hướng phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc, không gây tác động lớn vào không gian văn hóa và hệ sinh thái; đảm bảo phát triển du lịch cộng đồng có trách nhiệm với xã hội và chính cộng đồng đó; thực hiện bảo tồn song song với phát huy giá trị tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa. Quan trọng là tạo được cơ chế, chính sách để người dân tham gia và thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương. Có những hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho người dân làm đúng và hiệu quả loại hình du lịch này".

b5-nguyenquyphuong.png

Nhấn mạnh yếu tố quan trọng dẫn đến phát triển du lịch cộng đồng, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh cho rằng, đó chính là sự quan tâm của chính quyền tới việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững, cũng như đưa cộng đồng vào một cách hào hứng nhất.

"Phát triển du lịch cộng đồng cần phải đúng vai trò, trách nhiệm và tất cả chính quyền các sở, ban, ngành cũng như địa phương phải chung tay để thấy sự cần thiết của một tiêu chí quốc gia về phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó chúng ta phân vai, nhiệm vụ cho từng bên, có lộ trình rõ ràng là phát triển cái gì, bảo tồn cái gì, hạn chế cái gì… Làm được như vậy, tôi nghĩ sản phẩm du lịch cộng đồng của từng địa phương mới đủ tiềm lực, sức mạnh tập thể và sức thuyết phục để phát triển

Trước đây chúng ta chưa có quy chế, quy chuẩn để phát triển du lịch cộng đồng, nhưng từ năm 2020 chúng ta đã có Quy chuẩn Quốc gia, có hướng dẫn chỉ dẫn trong vấn đề triển khai. Tôi hy vọng các tỉnh, thành phố trên cả nước nên có những chuyên gia thực sự am hiểu về du lịch cộng đồng để định hướng, từ đó phát triển mô hình này chuẩn hơn", ông Quỳnh trăn trở.

Du lịch là một ngành kinh tế khá nhạy cảm. Vì vậy, muốn phát triển du lịch cộng đồng cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực: Cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt, khí hậu… Mặt khác, du lịch cộng đồng phải thực sự là mô hình do người dân thực hiện và vì cuộc sống của người dân. Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi, lúc đó du lịch cộng đồng mới phát triển. Ngoài ra, những địa phương có thể phát triển được loại hình du lịch cộng đồng cũng cần có chính sách dành riêng cho loại hình du lịch này, trong đó phải tính đến việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, giúp cơ sở đào tạo nhân lực.

doan-congtac.jpeg
Đoàn công tác Văn phòng Hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam khảo sát hỗ trợ xây dựng và phát triển du lịch theo tiêu chuẩn bền vững tại Hà Giang, tháng 6/2023.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Mặc dù du lịch Hà Giang có bước phát triển vượt bậc, song địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, còn bộc lộ một số hạn chế, như: Quy hoạch và kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu các điểm vui chơi, giải trí níu chân du khách. Các hoạt động du lịch và dịch vụ thiếu chuyên nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Các sản phẩm trùng lặp, thiếu tính chiến lược, chưa có nhiều sản phẩm cao cấp; thiếu dự án du lịch đầu tư trọng điểm làm "bệ đỡ" phát triển các sản phẩm du lịch vệ tinh…

b5-nguyenvanson.png

Vì vậy, chính quyền các địa phương cần có định hướng, kế hoạch phát triển bài bản, khoa học và thiết thực, tạo cơ sở xây dựng chính sách phù hợp, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển du lịch một cách bền vững qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng, chủ động đa dạng hóa các dịch vụ đi kèm, mở rộng liên kết với các địa phương khác để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, tăng cường hoạt động quảng bá, tiếp thị.

Đồng thời cũng cần huy động được sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trên địa bàn như y tế, đoàn thanh niên, lực lượng an ninh,... cùng tham gia hỗ trợ người dân để hoạt động du lịch thật sự phát huy hiệu quả. Về phía người dân, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong cộng đồng trên tinh thần hợp tác. Bảo đảm được các yếu tố này, du lịch cộng đồng sẽ phát triển bền vững, góp phần phát triển ngành du lịch nước nhà.

LOẠT BÀI >>> Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng cao: Bảo tồn văn hoá, tạo sinh kế bền vững

Nội dung & Trình bày: Nguyên Thảo

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bi cuối: Đột phá từ chính sách