Văn hóa - Du lịch

Bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025

Kim Sáng 08/05/2025 - 12:16

Sáng 8/5, Lễ bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Tham dự Lễ bế mạc có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Sự kiện còn có sự hiện diện của chư tôn đức Tăng vương, Tăng thống, lãnh đạo các giáo hội, hiệp hội, tổ chức Phật giáo từ nhiều quốc gia và đông đảo chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).

z6579785591759_a370a7e6e1a8ccc5985d9ab081412bd4.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, Đại lễ Vesak với sự tham gia của trên 2.700 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia, đại diện Liên Hợp quốc, hơn 1.350 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng hàng vạn tăng ni, phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi.

Đại lễ Vesak được tổ chức hết sức trọng thể, tôn nghiêm, là sự kiện tôn giáo, văn hóa quốc tế có quy mô và tầm vóc và đã thành công rất tốt đẹp.

be-mac-vesak-2025-09362101.jpeg
Các đại biểu đến tham dự Lễ bế mạc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đại lễ diễn ra vào thời điểm vô cùng đặc biệt. Toàn thể dân tộc Việt Nam vừa long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025) và đang tích cực chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, hạnh phúc của dân tộc.

Theo Phó Thủ tướng, thành công của Đại lễ Vesak 2025 với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” một lần nữa khẳng định trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước những vấn đề mang tính toàn cầu.

man.jpg
Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu phát biểu tại Lễ bế mạc Vesak 2025.

Đồng thời, khẳng định các giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức, có khả năng chỉ rõ con đường hiệu quả, bền vững để giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay, từ phát triển con người toàn diện, bảo vệ môi trường, cho đến xây dựng nền hòa bình vững chắc; là lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để kiến tạo một thế giới hòa bình, công bằng và phát triển bền vững vì lợi ích chung của toàn nhân loại.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại TP.HCM là dấu ấn rõ nét, cho thấy vai trò ngày càng được nâng cao của GHPGVN trong cộng đồng Phật giáo quốc tế và trong tăng cường đối thoại các vấn đề toàn cầu, ngăn chặn xung đột, thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững; đây cũng là minh chứng sinh động cho cam kết của Việt Nam trong việc phổ biến giáo pháp của đức Phật.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại Việt Nam là một minh chứng hùng hồn, khẳng định nhiều giá trị nhân văn và thành tựu lớn lao của đất nước, con người Việt Nam.

z6579785643570_d9a7802e838911c926f0be088720f44d.jpg
Hòa thượng GS.TS - Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban quốc tế Tổ chức đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc phát biểu.

Đó là truyền thống văn hóa hòa hiếu, từ bi, hướng thiện, yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam; chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn của Đảng và sự thực thi hiệu quả trên thực tế; kết quả rõ rệt trong chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đã được thể hiện bằng sự tham gia của hàng triệu lượt người trong các sự kiện của Đại lễ với tâm thế hoan hỷ, tin tưởng, linh thiêng và trật tự; vị thế, uy tín quốc tế và trách nhiệm chủ động của Việt Nam trong tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN cho biết, hơn 1.000 tham luận được gửi đến Vesak 2025, xoay quanh tinh thần đoàn kết và bao dung trong giáo lý nhà Phật. Đây là kim chỉ nam hướng con người đến xã hội an hòa, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Trưởng lão Hòa thượng khẳng định, Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với vận mệnh dân tộc, góp phần bồi đắp tinh thần đại đoàn kết toàn dân, lan tỏa lòng yêu nước, nhân ái, sẻ chia - những giá trị làm nên bản sắc và sức mạnh của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025