Sức Khỏe

Bệnh nhi mắc tay chân miệng tử vong sau phút chuyển viện

Chí Tâm 27/09/2023 - 18:04

Bệnh nhi 3 tuổi mắc tay chân miệng được chuyển từ Cà Mau lên TP.HCM điều trị đã tử vong sau phút nhập viện.

Ngày 27/9, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, sau vài tuần tạm ổn thì hiện tại tình hình tay chân miệng đang bùng lên ở các tỉnh miền Tây trong bối cảnh trẻ bắt đầu đi học lại, đặc biệt ở Cần Thơ.

cm4.jpeg
Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi

Hiện tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1 đang có 10 ca tay chân miệng nặng, trong đó có 8 bé thở máy với 2 bé lọc máu. Tất cả đều ở các tỉnh, đa số là miền Tây.

Bệnh viện cũng vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng là bé trai 3 tuổi (ngụ Cà Mau), mắc tay chân miệng độ 4.

Bệnh sử, trước đó, bé được điều trị thở máy tại một bệnh viện ở Cà Mau 2 ngày. Tuy nhiên, do tình trạng nặng, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cấp cứu trong tình trạng huyết áp không đo được, mạch nhẹ 0 lần/phút, sốt 41 độ.

Ngay lập tức, các bác sĩ tại đây đã hồi sức, nhồi tim sau đó chuyển khẩn bé đến Khoa Hồi sức tích cực tại bệnh viện. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa những do tình trạng nặng bé đã tử vong.

“Đây là trường hợp mắc tay chân miệng rất nặng, chúng tôi đã cố gắng cứu chữa nhưng trẻ không qua được. Từ Cà Mau chuyển lên TP.HCM quãng đường xa quá”, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang chia sẻ..

Tại Việt Nam, dịch tay chân miệng thường bùng phát mạnh vào khoảng tháng 3-5 và tháng 9-12. Đặc biệt, đỉnh dịch thường vào mùa tựu trường tháng 9, 10. Năm nay, dịch tay chân miệng bùng phát sớm ở phía Nam với số ca nhập viện tăng cao, hồi tháng 7.

Theo bác sĩ, bệnh tay chân miệng diễn biến nặng vốn rất nhanh, lại thêm năm nay chủng EV71 chiếm ưu thế, gây nhiều lo ngại. Chủng virus này có đặc tính gây bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao hơn so với các tác nhân khác, từng gây các vụ dịch lớn vào năm 2011 và 2018.

Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh lưu ý phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng gồm hồng ban, bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông và loét họng để đi khám bệnh. Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nặng gồm: sốt cao liên tục khó hạ, sốt trên hai ngày; nôn ói nhiều; giật mình chới với; run chi, đi đứng loạng choạng; thở mệt; chi lạnh, da nổi bông; co giật, rối loạn tri giác...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh nhi mắc tay chân miệng tử vong sau phút chuyển viện