Sáng nay (13/6), sau khi Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp 49, UBTVQH đã xem xét, thng qua Quy chế tổ chức v hoạt động của Đon Hội thẩm; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, QH kha XIV, trong đ c cng tác nhân sự.
Thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho thấy, về địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm và tổ chức của Đoàn Hội thẩm, một số ý kiến đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Đoàn Hội thẩm, làm rõ tính chất tự quản của Đoàn Hội thẩm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Ủy ban Tư pháp đã chỉnh lý quy định cụ thể tại Điều 3: “Đoàn Hội thẩm là hình thức tổ chức tự quản của các Hội thẩm”, không phải là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, không phải là Hội theo quy định của pháp luật về Hội. Đoàn Hội thẩm không có con dấu, không có tài khoản độc lập, không có bộ phận giúp việc chuyên trách, chỉ là tổ chức để các Hội thẩm trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ xét xử, nâng cao trình độ nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức của người Hội thẩm. Về mặt tổ chức, các Đoàn Hội thẩm độc lập với nhau, được tổ chức ở những nơi có Tòa án tiến hành xét xử sơ thẩm và có Hội thẩm tham gia xét xử sơ thẩm. Khi được bầu hoặc cử làm Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ xét xử tại một Tòa án, Hội thẩm phải tham gia sinh hoạt tại Đoàn Hội thẩm nơi có Tòa án đó.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Hội thẩm, có ý kiến đề nghị không quy định quá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho Đoàn Hội thẩm. Tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành rà soát các nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Hội thẩm trong dự thảo Quy chế, bảo đảm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng các nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Hội thẩm phù hợp với tính chất của Đoàn Hội thẩm là một hình thức tổ chức tự quản, không phải là hoạt động quản lý nhà nước như thể hiện tại Điều 5 của Dự thảo Quy chế.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ cách thức Đoàn Hội thẩm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên trong Đoàn. Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp thấy rằng, Hội thẩm có nhiệm vụ cùng Thẩm phán tiến hành xét xử các vụ án theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện nhiệm vụ, Hội thẩm cũng phải chịu nhiều áp lực, nhất là trong việc bảo đảm tính độc lập trong xét xử. Vì vậy, quy định Đoàn Hội thẩm có nhiệm vụ “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội thẩm” là biện pháp để bảo vệ Hội thẩm. Khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc bị đe dọa xâm phạm, Hội thẩm có thể đề nghị Đoàn Hội thẩm kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội thẩm. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp xin giữ như quy định của dự thảo Quy chế.
Liên quan đến vấn đề kinh phí, một số ý kiến đề nghị quy định rõ về kinh phí, cơ chế thực hiện kinh phí hoạt động của Đoàn Hội thẩm. Có ý kiến đề nghị chỉ quy định ngân sách nhà nước ở Trung ương hỗ trợ hoạt động của Đoàn Hội thẩm. Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên của UBTVQH đều tán thành với nội dung của Quy chế. Về vấn đề kinh phí, các thành viên UBTVQH nhất trí cho rằng, cần phải có kinh phí để cho Đoàn Hội thẩm hoạt động. Nhưng kinh phí dự toán, phân bổ, quản lý, thanh quyết toán thì chỉ giao cho Tòa án nơi có đoàn hội thẩm đó.
Về vấn đề này Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, Tòa án nhân dân các cấp hàng năm lập dự toán cho TANDTC và TANDTC báo cáo ra QH để QH quyết định khoản kinh phí để cho hoạt động này, chứ không phải Đoàn Hội thẩm có tài khoản riêng, kế toán thủ quỹ và chế độ tài chính riêng, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Tại Phiên họp này, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Phiên họp trước và thảo luận làm rõ thêm một số nội dung chưa rõ, 100% thành viên UBTVQH đã nhất trí thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm.
Bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao
Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã nghe và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 9 ngày, từ 20-30/7/2016.
Theo Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp đầu tiên QH khóa 14 là xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước.
Do đây là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu nhiệm kỳ nên phần lớn thời gian của kỳ họp dành cho việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự.
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội và các chức danh cấp cao trong bộ máy Quốc hội, Chính phủ và Phó Chủ tịch nước cho nhiệm kỳ 2016-2021 trong kỳ họp diễn ra vào tháng sau.
Sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UBTVQH, người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất sẽ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Chủ tịch nước sẽ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 trình bày Tờ trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Sau khi được bầu, Thủ tướng khoá mới sẽ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.