Sau 18 năm thực hiện ghép thận, đến cuối tháng 9 năm nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã c 1.000 trường hợp được ghép thận thnh cng.
Ca ghép thận thứ 1.000
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) vừa phẫu thuật thay thận cho bệnh nhân Đ.X.T. (49 tuổi, ở Hà Nội). Đây là ca ghép thận cán mốc thứ 1.000 được thực hiện thành công - kể từ ca đầu tiên vào năm 2002 tại bệnh viện này.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân Đ.X.T. có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối độ II từ năm 2017, điều trị bảo tồn (dùng thuốc, lọc máu, chưa cần thay thế thận). Tuy nhiên, đến tháng 1/2020, bệnh nhân chuyển sang bệnh thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Nếu không được thay thận, bệnh nhân phải lọc máu, chạy thận nhân tạo suốt đời, nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim, nhiễm trùng, suy tim, bệnh lý cơ xương khớp... Ngoài ra, việc chạy thận nhân tạo lâu ngày cũng ảnh hưởng đến kinh tế cho người bệnh.
Bệnh nhân Đ.X.T. được ghép thận từ người cho sống. Ca ghép thận cho bệnh nhân T. được tiến hành trong 3 giờ đồng hồ. Sau phẫu thuật, người bệnh được hồi sức tích cực theo dõi và điều trị. Hiện tại sau 10 ngày ghép thận, bệnh nhân T. hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và có thể xuất viện, sớm trở lại cuộc sống thường ngày.
Với quả thận mới được ghép, anh T. xúc động nói: “Tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tận tâm cứu chữa, trao cho tôi cơ hội được sống lần thứ 2. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người bệnh được hồi sinh sự sống như tôi”.
Các bác sĩ thực hiện ca ghép thận thứ 1.000.
100% mổ nội soi lấy tạng từ người hiến sống, giúp giảm đau sau mổ
Theo BS Nghĩa, trường hợp ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức là vào năm 2002. Trong đó, có tới 122 ca ghép thận từ người cho chết não (12%), còn lại 88% ghép thận từ người hiến sống.
TS.BS Ninh Việt Khải - Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết thêm, người cho chết não cùng lúc có thể hiến hai quả thận để ghép cho một bệnh nhân và có thể hiến nhiều tạng khác như: tim, phổi, gân, giác mạc, mạch máu để mang lại sự sống cho nhiều người bệnh.
Kỹ thuật ghép thận từ người cho chết não có nhiều ưu điểm hơn từ người cho sống bởi khi lấy tạng từ người hiến sống phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người hiến. Phẫu thuật trên thể trạng bệnh nhân khỏe mạnh, mọi thao tác lấy tạng đều phải chính xác, tránh tai biến.
Lấy tạng từ người cho chết não sẽ lấy được những mạch máu dài hơn so với lấy từ người hiến sống, tạo thuận lợi cho cuộc ghép.
Đối với người hiến sống, chỉ lấy được các mạch máu ngắn hơn, do vậy để cuộc ghép thuận lợi, các bác sĩ đã có nhiều phương án giải quyết như: chuyển các mạch máu khác để ghép thận, tạo hình làm dài các mạch thận bằng các tĩnh mạch sinh dục hoặc đoạn mạch được bảo quản từ ngân hàng mô.
Với những bước cải tiến về mặt kỹ thuật, đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành 100% mổ nội soi lấy tạng từ người hiến sống, giúp giảm đau sau mổ, bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện.
Bệnh viện cũng thực hiện nhiều ca ghép thận đặc biệt như kỳ tích ghép thận tự thân cứu quả thận đã thiếu máu đến giờ vào ngày 20/7 cho một bệnh nhân L.V.D. (57 tuổi, ở Hải Dương), bị tổn thương tắc động mạch thận đến giờ do tai nạn xe máy.
Đến nay, bệnh viện cũng đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh. GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá, việc mở rộng mạng lưới ghép thận ở tuyến tỉnh cũng là một cách để thu hút nguồn hiến tạng từ người cho chết não, để bệnh viện các tuyến cũng hiểu và giải thích người nhà có người chết não sẽ hiến tạng sau khi qua đời.
Hiện nay, tỷ lệ sống khỏe mạnh sau năm năm ghép thận là 95-98%. Sau Phú Thọ và Thanh Hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đang chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An.