Sáng 10/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai các nng trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014.
Theo dõi phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp qua sóng phát thanh, truyền hình, đông đảo cử tri trong cả nước đánh giá cao chất lượng phiên thảo luận. Phóng viên đã ghi nhận một số ý kiến của cử tri Yên Bái, Hà Tĩnh và Đắk Lắk.
Sớm tháo gỡ khó khăn cho các công ty lâm nghiệp
Cử tri Yên Bái cho rằng, phiên thảo luận diễn ra nghiêm túc, sôi nổi, đề cập được các vấn đề nóng cử tri cả nước quan tâm. Chủ tọa điều hành phiên thảo luận khoa học, đạt chất lượng tốt, không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng. Ý kiến của các đại biểu, thẳng thắn, trách nhiệm, cơ bản đáp ứng được mong đợi của cử tri.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hộ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014. Ảnh: TTXVN
Cử tri Nguyễn Phúc Cường - Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái nêu ý kiến: Việc ban hành chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai và bảo vệ và phát triển rừng còn chưa đồng bộ nên khi triển khai thực tế gặp vướng mắc. Chính sách giao đất, giao rừng chưa đồng bộ với cơ chế hưởng lợi từ rừng. Chính sách về vay vốn để phát triển sản xuất còn nhiều quy định rườm rà làm doanh nghiệp và đặc biệt là các hộ gia đình khó vay được vốn để đầu tư sản xuất.
Công các thanh tra, kiểm tra xử lý những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường đã được các cấp các ngành quan tâm tổ chức thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao và tình trạng vi phạm chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm. Hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm đất của các lâm trường, công ty lâm nghiệp còn diễn ra, hiệu quả sử dụng đất thấp chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh.
Cử tri Phạm Đăng Hân, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Yên Bình (Yên Bái) kiến nghị: Hiện nay, xã hội phát triển nhưng chính sách pháp luật về công tác quản lý đất đai chưa thay đổi để bắt kịp với thực tế. Các lâm trường sản xuất mang tính chất truyền thống, đất đai do công ty, lâm trường quản lý nhưng lại không có cơ sở pháp lý quản lý nên bị xâm chiếm, cây rừng bị chặt phá. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra không nghiêm dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước đầu tư, không qui trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu. Cử tri cho rằng việc tiến hành cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp cần được tiến hành khẩn trương. Bên cạnh đó, cần giúp doanh nghiệp xử lý nghiêm, kịp thời việc chặt phá cây rừng, xâm chiếm đất đai và đồng thời đóng cọc mốc phân ranh giới rõ ràng toàn bộ phần đất đai mà công ty đã được thuê.
Cử tri Trần Đức Thanh - Vụ phó Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) đồng tình, thống nhất cao với báo cáo giám sát của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Kso Phước, đồng thời đánh giá ý kiến của các đại biểu Quốc hội rất xác đáng, đúng, trúng, được cử tri cả nước quan tâm.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Hải phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Cử tri Trần Đức Thanh cũng cho rằng, việc sắp xếp lại các doanh nghiệp lâm nghiệp, đơn vị quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hiện nay, toàn vùng có 56 Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp, 53 Ban quản lý rừng phòng hộ, 6 Vườn quốc gia, 5 Khu bảo tồn và 3 Trung tâm nghiên cứu.
Các công ty lâm nghiệp Nhà nước trước đây đã được sắp xếp lại, chuyển đổi từ lâm trường thành Công ty lâm nghiệp và nay là Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp nhưng vẫn chưa được tự chủ trong sản xuất kinh doanh, không có đủ tư cách pháp lý để thế chấp, vay vốn, không có cơ chế tạo nguồn thu, kinh phí phân bổ hàng năm quá thấp nên không thể triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tại, chỉ một số ít công ty đã được cấp chứng chỉ quốc tế về quản lý rừng bền vững (được khai thác gỗ rừng tự nhiên) hoặc có diện tích rừng trồng lớn là còn hoạt động có hiệu quả. Hầu hết các công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp còn lại, nhất là các công ty quản lý rừng sản xuất là rừng tự nhiên chưa được cấp giấy chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững rất khó khăn, hiệu quả hoạt động kém, thu nhập của cán bộ, công nhân viên thấp, thậm chí nợ lương kéo dài, đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp quản lý đất đai còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai và quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất đai kém hiệu quả, giao khoán đất và rừng không hợp lý để lại nhiều hậu quả đến nay rất khó giải quyết.
Cử tri Trần Đức Thanh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho các công ty lâm nghiệp. Bảo đảm cấp đủ kinh phí quản lý bảo vệ rừng cho các công ty lâm nghiệp hoạt động công ích, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên là rừng sản xuất.
Quản lý tốt hơn việc giao đất, cho thuê đất rừng các nông, lâm trường
Theo cử tri Nguyễn Thanh Trúc, quyền Chi cục trưởng Chi cục Lâm Nghiệp Hà Tĩnh, công tác quy hoạch đất và quy hoạch 3 loại rừng ở nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn; việc khảo sát, quy hoạch chưa sát với thực tế. Các nông, lâm trường, ban quản lý rừng được Nhà nước giao quản lý diện tích đất khá lớn, chủ yếu là đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đất sản xuất một số diện tích khác nên việc kiểm kê, giao khoán cũng gặp khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Trúc cho rằng việc thực hiện quản lý, sử dụng đất đai đối với các nông, lâm trường cần có thêm thời gian và lộ trình để triển khai tốt hơn. Các cấp chính quyền cần tạo điều kiện và giúp đỡ các nông, lâm trường, tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh doanh.
Báo cáo trình bày trước Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014” cho thấy việc rà soát tình hình quản lý đất đai trên lĩnh vực lâm nghiệp trên toàn quốc rất công phu và đưa ra những tồn tại, hạn chế trong quản lý đất đai tại các địa phương, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp trong việc quản lý đất đai cũng như việc thực thi chính sách trong quá trình thực hiện. Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 2 nông trường quốc doanh và 6 ban quản lý rừng tại các huyện, thị. Hà Tĩnh đang triển khai “Đề án giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 2013-20” và đạt kết quả nhất định; 168 xã của 11 huyện, thị xã đã có kế hoạch, và tiến hành giao đất, giao rừng khoảng 43.000 ha trên tổng số gần 69.000 ha cho người dân quản lý, sử dụng.
Theo cử tri Trang Quang Thành - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Lắk, dân số của tỉnh Đắk Lắk tăng cơ học rất nhanh trong những năm gần đây, chủ yếu là do dân di cư đến ngoài kế hoạch kéo theo nhu cầu về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp tăng cao, dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép (chỉ riêng từ năm 2008 đến nay đất rừng bị lấn chiếm trái phép trên 26.471 ha). Bên cạnh đó, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng mỏng và yếu. Nhiều địa phương, chủ rừng chưa tích cực triển khai, chưa có giải pháp đồng bộ nên chưa ngăn chặn có hiệu quả. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương chưa phối hợp đồng bộ, kịp thời với chủ rừng trong việc ngăn chặn, xử lý các sai phạm về quản lý, bảo vệ rừng…
Tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương, các chủ rừng kiểm tra, rà soát lại diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm để thu hồi nhằm có kế hoạch trồng lại rừng (mới chỉ thu hồi được gần 2.000 ha)…
Cử tri Trang Quang Thành kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo cụ thể, sâu sát để giải quyết mâu thuẫn giữa bảo vệ và phát triển rừng với mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp một cách khoa học, qua đó đưa ra các giới hạn, các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể độ che phủ rừng trong từng giai đoạn, cho từng vùng và cả nước. Đề nghị ban hành các cơ chế, chính sách, chế tài cụ thể để thực hiện đồng bộ, thống nhất đối với từng loại rừng, từng chủ rừng, cả về đầu tư cho rừng từ nguồn vốn của Nhà nước, vốn của chủ rừng của các tổ chức khác gián tiếp hưởng lợi từ rừng và ngăn chặn, xử lý xâm hại rừng. Cử tri đề nghị Trung ương cho phép lồng ghép kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng với các chương trình, dự án khác trên cùng địa bàn, có chính sách cụ thể để các doanh nghiệp có thể huy động được các nguồn vốn nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng.