Trong những năm qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN. Với 3 trọng tâm là nâng cao nhận thức chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trên môi trường số, công tác chuyển đổi số của Ngành đã đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, được Chính phủ và Nhân dân ghi nhận, hưởng ứng .
Bên cạnh đó, Ngành BHXH Việt Nam đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành BHXH Việt Nam đã vào cuộc mạnh mẽ, triển khai quyết liệt công tác chuyển đổi số và đạt được những kết quả, hiệu quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số:Một trong những mục tiêu được ngành BHXH Việt Nam chú trọng thực hiện là nâng cao nhận thức về chuyển đổi số tới toàn thể công chức, viên chức (CCVC) và người lao động (NLĐ) trong toàn Ngành.
Theo đó, BHXH Việt Nam đã cử cán bộ tham gia khóa đào tạo về nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 20; Tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khai thác, kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Tổ chức nhiều hội nghị chuyên sâu, hội thảo quốc tế về chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH BHYT… Thường xuyên phối hợp truyền thông, cung cấp thông tin báo chí phản ánh các hoạt động của Ngành, trong đó có nhiều nội dung, kết quả về chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, triển khai các nhóm dịch vụ công liên thông, phát triển ứng dụng VssID - BHXH số…
Qua đó, ngày càng nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của CCVC và NLĐ, nhất là của những người đứng đầu các đơn vị trong Ngành về công tác chuyển đổi số.
Thứ hai, phát triển hạ tầng số:BHXH Việt Nam hiện đang duy trì hoạt động Trung tâm dữ liệu tập trung; hệ thống kênh truyền mạng WAN từ Trung ương đến BHXH cấp tỉnh, cấp huyện.
Ngành đã triển khai 28 hệ thống phần mềm, đảm bảo xử lý 100% quy trình nghiệp vụ của Ngành trên môi trường điện tử; 100% CCVC và NLĐ của Ngành được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý, giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của BHXH Việt Nam được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành điện tử - Eoffice. Qua đó, đảm bảo 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng; 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.
Ngành BHXH Việt Nam cũng đã kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu thanh toán chi phí KCB BHYT. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho quá trình triển khai Sổ sức khỏe điện tử. Hiện có hơn 621 nghìn doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH. Qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam đã chú trọng nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VssID - BHXH số. Hiện toàn quốc có hơn 36 triệu tài khoản giao dịch điện tử, dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID, hơn 5,5 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục KCB BHYT.
BHXH Việt Nam cũng đã tích hợp Trợ lý ảo vào Tổng đài Chăm sóc khách hàng với số điện thoại 1900.9068; qua đó, hỗ trợ người dân cấp lại mật khẩu tài khoản VssID. Phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng tài khoản VssID.
Thứ ba, phát triển dữ liệu số:BHXH Việt Nam là cơ quan được giao chủ trì quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm. Đến nay, kho cơ sở dữ liệu này đang được kết nối, chia sẻ tích cực với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, phục vụ hiệu quả các yêu cầu quản lý nhà nước.
Theo đó, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, trở thành đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, phối hợp tích hợp thông tin sổ BHXH trên ứng dụng VneID. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương khác để kết nối và chia sẻ, đồng thời làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.
Thứ tư, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin:BHXH Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng. Đến nay, BHXH Việt Nam đang tiếp tục thực hiện rà soát, xây dựng, trình phê duyệt cấp độ đối với các hệ thống xây dựng lại và các Hệ thống đã nâng cấp.
Thực hiện rà soát, gắn nhãn tín nhiệm mạng cho 75 website thuộc quản lý của BHXH Việt Nam. Trong những năm qua, các website này đều không phát hiện tấn công thay đổi giao diện, không chứa các liên kết độc hại, bảo đảm tin cậy về an toàn thông tin.
Thông qua các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin, BHXH Việt Nam đã duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống; kiểm soát, giám sát hệ thống từ bên trong; ngăn chặn các cuộc tấn công, chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.
Thứ năm, thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trên môi trường số: Hiện nay, 100% TTHC của BHXH Việt Nam đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các dịch vụ công này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức như: Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST...
Trong 9 tháng đầu năm 20, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 10,4 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (tương đương 76,6 triệu hồ sơ gắn với từng người lao động, chiếm 92,5% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến).
Riêng với quá trình thực hiện Đề án 06, BHXH việt Nam đã đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả 7 dịch vụ công, thủ tục hành chính liên thông. Thông qua các dịch vụ công này, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý, trả kết quả hơn 1,7 triệu hồ sơ hoàn toàn trực tuyến.
Thứ 6, người dân, đơn vị, doanh nghiệp được hưởng lợi:Có thể khẳng định, nỗ lực chuyển đổi số và nhất là những cố gắng thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 của BHXH Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN.
Hiện nay, đã có 100% cơ sở y tế triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chip; đảm bảo đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân, căn cước công dân. Đã có hơn 119 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân hoặc căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
BHXH Việt Nam đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động người hưởng các chế độ BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến nay, đã có khoảng 78% số người hưởng tại khu vực đô thị nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM, tăng 14% so với năm 2023, vượt 18% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã tích cực hỗ trợ ngành Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở KCB qua hạ tầng của BHXH Việt Nam.
BHXH Việt Nam cũng đang chủ động phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công an thí điểm liên thông dữ liệu KCB BHYT, phục vụ triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Những thành quả trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã mang lại những lợi ích thiết thực không chỉ đối với người dân, doanh nghiệp mà với cả các cơ quan quản lý Nhà nước.
Có thể nói, những kết quả chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại nhiều thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong các hoạt động của ngành BHXH Việt Nam, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia. Đây cũng là tiền đề và động lực để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.