Mới đây, Bộ Y tế Ấn Độ đã đưa ra những đánh giá sơ bộ về mức độ nguy hiểm của biến chủng virus SARS-CoV-2 mới, được gọi l “Delta plus” (B.1.617.2.1), Sputnik đưa tin.
Cần phải nhắc lại rằng, dòng virus SARS-CoV-2 chủng B.1.617 được phát hiện ở Ấn Độ vào ngày 5/10/2020 tại bang Maharashtra, gần đây đã hiện diện ở nhiều quốc gia. Trước đây, ba phân loài của chủng B.1.617 đã được phát hiện, bao gồm B.1.617.1, B.1.617.2 (Delta) và B.1.617.3.
Trong khi đó, biến chủng Delta gần đây đã được phát hiện ở nhiều quốc gia và theo các bác sĩ Ấn Độ, đây có thể là nguyên nhân chính gây ra làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ.
Đặc điểm của biến chủng mới Delta plus là gì?
Các bác sĩ Ấn Độ cho biết, biến chủng mới Delta plus được phân biệt bởi có sự đột biến K417N trong Spike protein (protein gai), là độc tố có thể làm giảm hoạt động của huyết thanh và kháng thể ở những người đã mắc bệnh hoặc được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Theo ghi nhận của các bác sĩ Ấn Độ, lần đầu tiên biến chủng này được phát hiện vào tháng 3 năm nay tại châu Âu.
“Hiệp hội Coronavirus Genomics Ấn Độ (INSACOG) báo cáo rằng chủng Delta plus hiện là "biến thể gây quan ngại" và có các đặc điểm sau: tăng tính thấm, gắn kết mạnh hơn với các thụ thể tế bào phổi, có thể làm giảm phản ứng với các kháng thể đơn dòng”, thông báo của Bộ Y tế Ấn Độ nêu rõ.
Như vậy, chủng virus mới (Delta plus) được gọi là “biến thể gây quan ngại” khi có các bằng chứng cho thấy nó có khả năng lây nhiễm nhiều hơn chủng ban đầu, gây ra bệnh nghiêm trọng hơn, và có khả năng “né tránh” vaccine hoặc kháng thể.
Trước đó, Sputnik cho biết các ca nhiễm biến chủng mới Delta plus đã được xác định ở Ấn Độ.
Cụ thể, theo Sputnik, ngày 21/6 India TV đưa tin: Tại các khu vực ở Navi Mumbai, Palgar và Ratnagiri, thuộc bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ đã báo cáo ghi nhận 20 trường hợp nhiễm một dòng virus SARS-CoV-2 mới, được gọi là Delta plus (B.1.617.2.1).