Ngày 8/8, UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư đối với Công ty Cổ phần và Dịch vụ Q-Link (trụ sở ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), xây dựng Nhà máy sản xuất trà "tiến vua" tại xã An Toàn, huyện An Lão.
Tổng vốn đầu tư dự án này gần 5 tỷ đồng, công suất hơn 86 kg trà khô/năm. Tiến độ thực hiện dự án từ quý 2/20 đến quý 4/2025.
UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện An Lão phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định; thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thiện các công trình theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt. Thực hiện dự án đúng quy mô, tiến độ và các cam kết trong hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.
Hiện nay, cây chè "tiến vua" ở huyện miền núi An Lão có hơn 6.000 cây, phân bố tại các khu rừng tự nhiên quy hoạch chức năng sản xuất và trong nương rẫy, vườn rừng của người dân tại xã An Toàn.
Trong đó, nhiều cây chè cổ thụ đường kính hơn 40cm. Mới đây, trên diện tích 2.059 héc ta rừng tự nhiên thuộc quy hoạch sản xuất, xã An Toàn, Ban Quản lý Rừng đặc dụng An Toàn, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đã điều tra, xác định có 493 cây chè có đường kính gốc nhỏ nhất là 10cm, chiều cao từ 3,5m đến hơn 9m, tán rộng 0,4m - 7m.
Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn đã thống kê, đánh số, gắn tọa độ mỗi cây chè cổ thụ để đưa vào bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt. Lực lượng thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn cũng tuyên truyền, vận động bà con không chặt phá, xâm hại cây và thường xuyên tuần tra, bảo vệ để giữ cây.
Để phát triển thế mạnh của vùng chè An Toàn, UBND huyện An Lão đã xây dựng đề án khôi phục và phát triển rừng chè; từng bước xây dựng thương hiệu chè đặc sản "tiến vua".
Từ đó, phát triển chè "tiến vua" An Toàn theo hướng sản phẩm đặc trưng địa phương, làm quà tặng chất lượng cao phục vụ du lịch.
Theo Bí thư Huyện ủy An Lão Nguyễn Xuân Vĩnh, khi dự án Nhà máy sản xuất trà "tiến vua" tại xã An Toàn đi vào hoạt động, sẽ giúp người dân có thêm sinh kế từ việc chăm sóc và bán lá cây chè.
Hai thế mạnh của huyện An Lão là tập trung làm là phát triển cây chè "tiến vua" và liên kết trồng dược liệu.
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định đã cấp phép cho một doanh nghiệp tiến hành đầu tư để sản xuất, chế biến chè tiến vua trên địa bàn.
“Huyện đang cố gắng cùng với nhà đầu tư để giải phóng mặt bằng, giao đất để cho nhà đầu tư tập trung xây dựng, sớm đưa nhà máy đi vào chế biến để vận hành ra sản phẩm đầu tiên, để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con trên địa bàn. Đây có thể được xem là liên kết trong phát triển gắn chặt giữa người dân với doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm mới và góp phần nâng cao thu nhập cho bà con”, ông Nguyễn Xuân Vĩnh nói.