Ngày 14/4, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Kết luận 0-KL/TW hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh cũng như cấp xã sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới.
Kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ, tiêu chuẩn cấp ủy viên, ủy ban kiểm tra cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cơ bản thực hiện theo Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tiêu chuẩn cấp ủy viên nêu tại Chỉ thị mới của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội XIV của Đảng và các quy định liên quan của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ.
Trong đó, cần cụ thể hóa rõ hơn tiêu chuẩn về chính trị; trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo; kết quả, sản phẩm cụ thể... của cán bộ thuộc diện ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy quản lý (gồm cả cán bộ cấp xã) và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để làm căn cứ, cơ sở xem xét, bố trí theo thẩm quyền.
Tại kết luận số 0-KL/TW, Bộ Chính trị hướng dẫn nội dung xây dựng và các bước tiến hành đối với phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các địa phương gồm Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và các Ủy viên Trung ương dự khuyết là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy sau khi hợp nhất, sáp nhập.
Theo đó đối với phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị và xây dựng phương án nhân sự cụ thể, báo cáo xin ý kiến đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đồng chí Thường trực Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thành phương án nhân sự chủ chốt của các địa phương, trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động liên tục của địa phương và không bị gián đoạn.
Đối với phương án nhân sự cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh sau khi hợp nhất, sáp nhập và việc phân công cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh (sau khi được chỉ định) đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc (không gồm các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý). Quá trình thực hiện gồm 3 bước.
Bước 1: Xây dựng và thông qua phương án nhân sự
Chuẩn bị phương án nhân sự: Lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Chính trị phân công (sẽ có thông báo của Trung ương) triệu tập, đồng chủ trì cùng các Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trong diện hợp nhất, sáp nhập để họp với các lãnh đạo Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, trưởng ban tổ chức của các địa phương trong diện hợp nhất, sáp nhập chuẩn bị các nội dung để xây dựng phương án nhân sự.
Báo cáo tình hình đội ngũ cán bộ của các địa phương thuộc diện hợp nhất, sáp nhập về số lượng cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ, Ủy ban kiểm tra cấp ủy, cơ cấu về độ tuổi, giới tính, dân tộc, trình độ; đánh giá sơ bộ về thuận lợi, khó khăn, ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân.
Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ sau hợp nhất, sáp nhập, tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng theo quy định; xây dựng phương án nhân sự ban chấp hành, Ban Thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy và định hướng phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của cơ quan, đơn vị trực thuộc nhiệm kỳ hiện tại và cho nhiệm kỳ kế tiếp các nội dung, yêu cầu trên và đề xuất, kiến nghị (nếu có).
Thông qua phương án nhân sự: Lãnh đạo tỉnh, thành phố được Bộ Chính trị phân công đồng chủ trì cùng các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy trong diện hợp nhất, sáp nhập tổ chức hội nghị ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy của các địa phương hợp nhất, sáp nhập (có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng) thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện và thông qua phương án nhân sự. Trong quá trình thảo luận, nếu còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa thống nhất, thì tổng hợp đầy đủ ý kiến, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Bước 2: Trên cơ sở phương án nhân sự đã xây dựng, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy (của các địa phương hợp nhất, sáp nhập) báo cáo Ban Tổ chức Trung ương xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện phương án nhân sự trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ định đối với nhân sự theo quy định.
Bước 3: Tiếp thu ý kiến và hoàn thiện phương án nhân sự
Lãnh đạo tỉnh, thành phố được Bộ Chính trị phân công đồng chủ trì cùng các đồng chí bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trong diện hợp nhất, sáp nhập họp với lãnh đạo Ban Thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ của các địa phương hợp nhất, sáp nhập nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện phương án nhân sự để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét chỉ định nhân sự theo quy định.
Căn cứ quyết định chỉ định nhân sự của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy của địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập xem xét, quyết định việc phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền và theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và phương án nhân sự cấp ủy đã tiếp thu ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương.
Đối với phương án nhân sự cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp xã sau khi thành lập mới và việc phân công cấp uỷ viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã (sau khi được chỉ định) đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của các đơn vị ở cấp xã.
Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng nêu tại Chỉ thị mới của Bộ Chính trị và các quy định có liên quan; đồng thời, nghiên cứu các nội dung, yêu cầu xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh nêu trên để cụ thể hóa, chỉ đạo việc xây dựng và thông qua phương án nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp xã và việc phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc nhiệm kỳ 2025 - 2030; bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện và không trái với Kết luận này.
Bộ Chính trị lưu ý, trước khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã thì Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy cần chủ động tổng rà soát nguồn cán bộ cấp huyện, cấp xã có phương án xem xét, điều động, phân công, bố trí các đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư; cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, tương đương ở cấp huyện, lãnh đạo cấp xã và phân công, chỉ định, bố trí, giới thiệu nhân sự giữ chức vụ lãnh đạo ở cấp xã mới ngay khi được thành lập.
Đồng thời, bảo đảm kịp thời, không gián đoạn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp xã, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.