Giáo dục

Bộ Giáo dục: Xét tuyển sớm không đồng nghĩa với hạn chế cơ hội

Minh Anh 04/12/20 - 08:05

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có điểm mới là các trường chỉ được xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu. Nhưng không đồng nghĩa 80% còn lại phải xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu, các trường không được gọi vượt số này.

Hiện, các trường xét sớm bằng cách dùng học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực.... Vì vậy, khi Bộ đưa ra dự kiến này, nhiều thí sinh cho rằng 80% chỉ tiêu còn lại phải xét từ kết quả thi tốt nghiệp. Từ đó, các em lo lắng, sợ mất cơ hội khi dùng các phương thức khác.

200626_1459.jpg
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 20 tại Hà Nội.

Bộ khẳng định cách hiểu trên không đúng. Xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển là hai khái niệm khác nhau.

Trong đó, xét tuyển sớm chỉ các đợt tuyển sinh trước đợt xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (vào khoảng tháng 7, sau khi thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp).

Còn phương thức tuyển sinh được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào. Ở đợt xét tuyển sớm với 20% chỉ tiêu hay đợt chung với 80% chỉ tiêu, các trường đều có thể sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh.

"Dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay đợt chung của Bộ, thí sinh vẫn có thể tham gia bằng các phương thức khác nhau. Các thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, đánh giá năng lực, tư duy... không bị ảnh hưởng", Bộ khẳng định.

Riêng với xét học bạ, điểm mới là Bộ dự kiến phải dùng điểm cả học kỳ II lớp 12 thay vì chỉ dùng điểm 3-5 học kỳ ở THPT như nhiều trường đang làm. Do đó, ít nhất phải đến cuối năm học (sau 31/5), các đại học tuyển bằng phương thức này mới có thể nhận hồ sơ. Thời gian công bố kết quả vì thế không thể sớm như trước (tháng 3-tháng 5).

Một vấn đề nữa nằm ở chỗ Bộ dự kiến điểm của đợt xét sớm phải bằng đợt xét tuyển chung. Ngoài ra, nếu tuyển bằng nhiều phương thức, trường đại học phải quy đổi tất cả về thang điểm chung.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định việc này bất khả thi bởi các kỳ thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực hay học bạ có bản chất khác nhau. Việc quy đổi điểm tương đương đòi hỏi phải có dữ liệu về phân phối chuẩn trong 3-5 năm với mẫu phân tích lớn, cùng hàng loạt kỹ thuật so sánh, khảo thí phức tạp.

Một số chuyên gia tuyển sinh cũng cho rằng việc này rất phức tạp, có thể khiến nhiều trường ngại dùng nhiều phương thức, dẫn đến dành phần lớn chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp hay học bạ - những phương thức bớt phức tạp trong quy đổi điểm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Giáo dục: Xét tuyển sớm khng đồng nghĩa với hạn chế cơ hội