Sáng /9, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Hội thảo “Hon thiện các quy định của BLTTHS nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng”.
Nhiều ý kiến thảo luận liên quan đến quy định các biện pháp xử lý tội phạm tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong BLTTHS.
Cần phải thu hồi tài sản tham nhũng
Thống kê những vụ việc tham nhũng được xử lý hình sự trong giai đoạn 2009-2013 có chiều hướng giảm khá nhiều và giảm dần đều trong 3 năm gần đây. Điều này cho thấy, xu hướng tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, một số chuyên gia UNDP lại nghi ngại đó là do việc tố giác, phát hiện và hiệu quả thực thi pháp luật trong PCTN giảm sút.
Một số ý kiến cho rằng, hiện pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) đang thiếu các biện pháp quản lý tài sản của người tham nhũng ngay từ đầu quá trình giải quyết vụ án nên hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng không cao. Thậm chí, có nhiều bị án trong các vụ án tham nhũng không hề bồi thường được đồng nào cho Nhà nước.
Do vậy, pháp luật hình sự cần có biện pháp để thu lại hết những tài sản đã chiếm đoạt do hành vi tham nhũng và phải coi đây là mục đích lớn trong chính sách hình sự xử lý tội phạm tham nhũng. TS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng, BLTTHS cần có một chương về tịch thu tài sản và quy định về việc yêu cầu người phạm tội giải trình về nguồn gốc tài sản và tịch thu tài sản để kịp thời thu hồi tài sản tham nhũng.
Quang cảnh hội thảo
Bên cạnh đó, các ý kiến khác đề nghị quy định các biện pháp cưỡng chế trong dự thảo BLTTHS, đặc biệt mở rộng phạm vi tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp kê khai. Theo các chuyên gia, việc bổ sung biện pháp ngăn chặn, phong tỏa tài sản của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là cần thiết để hạn chế việc tẩu tán tài sản, tăng cường khả năng thu hồi, bồi thường hoặc tăng khả năng áp dụng các hình phạt như phạt tiền, tịch thu tài sản.
Ngoài ra, cần có các biện pháp hợp tác quốc tế để xử lý tội phạm tham nhũng, nhất là thu hồi tài sản tham nhũng, vì tội phạm tham nhũng đã “vượt ra ngoài biên giới quốc gia” như vụ Giang Kim Đạt chiếm đoạt 19 triệu USD rồi trốn ra nước ngoài là một ví dụ điển hình.
Cơ chế nào để bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Về vấn đề tố cáo tham nhũng, thống kê cho thấy những vụ việc tham nhũng được xử lý hình sự theo BLHS trong giai đoạn 2009-2013 có chiều hướng giảm dần. Các chuyên gia cho rằng điều đó cho thấy xu hướng tích cực trong công tác PCTN. Tuy nhiên, PGS.TS.Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng, có thể đó là do việc tố giác, phát hiện và hiệu quả thực thi pháp luật trong PCTN giảm sút. Ông cho biết, quá trình xử lý tin báo, tố giác tội phạm thiếu chặt chẽ, có khi để tin bị “thối” mà không ai phải chịu trách nhiệm cũng khiến người dân “thờ ơ” với tố cáo tham nhũng.
Vì vậy, cần hạn chế đến mức thấp nhất thủ tục hành chính trong xử lý hành vi có dấu hiệu tham nhũng mà tăng cường, mở rộng các biện pháp TTHS. Và cần mở rộng phương thức chủ động, tích cực bảo vệ nạn nhân, chuyên gia hoặc nhân chứng trong các vụ án hình sự nói chung và án tham nhũng nói riêng để không vì sợ “chờ được vạ thì má đã sưng” mà nhiều người không tố giác tội phạm tham nhũng hay “ngại” hợp tác trong quá trình xử lý.
Còn TS Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, “cần quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân, chuyên gia, nhân chứng của vụ án tham nhũng do trong nhiều trường hợp bản thân họ không ý thức được hết các mối đe dọa”.
Một vấn đề nữa được các đại biểu quan tâm là những quy định về biện pháp điều tra đặc biệt trong BLTTHS. Hiện dự thảo BLTTHS (sửa đổi) cho áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt (ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử) từ giai đoạn khởi tố vụ án.
Các ý kiến cho rằng nên thận trọng khi quy định các biện pháp này, xuất phát từ tầm quan trọng trong TTHS, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức hoặc vụ án tham nhũng, đồng thời tính đến mức độ ảnh hưởng đến các nguyên tắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Do vậy, cần phải căn cứ vào tính chất, mức độ và các tình tiết thực tế trong từng giai đoạn tiến hành tố tụng…
Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, phải xác định những biện pháp nào và thẩm quyền áp dụng như thế nào để tránh áp dụng tràn lan, vi phạm quyền công dân, nhất là bí mật đời tư, nên cần phải quy định rất chặt chẽ.