Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng 27/5, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS).
Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Theo dự án luật, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 (chiếm 44,4%) tội danh có khung hình phạt tử hình ở bộ luật hiện hành.
Những tội này gồm: tham ô tài sản (điều 353); nhận hối lộ (điều 354); vận chuyển trái phép chất ma túy (điều 250); hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (điều 109); gián điệp (điều 110); phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (điều 114); sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (điều 194); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (điều 421).
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, qua các lần sửa đổi luật, từ năm 1999 đến nay , số lượng tội danh có mức hình phạt tử hình đã giảm từ 29 tội xuống còn 18 tội và dần thu hẹp việc áp dụng hình phạt tử hình với một số đối tượng như người chưa thành niên, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, người cao tuổi...
Quy định như vậy phù hợp với xu hướng pháp luật quốc tế, khi nhiều quốc gia đã xóa hình phạt tử hình hoặc hạn chế áp dụng ở mức tối đa. Điều này khẳng định chính sách hình sự tiến bộ và nhân đạo của Việt Nam. Đặc biệt, ở một số tội danh, việc áp dụng hình phạt tử hình không thật sự cần thiết và “trên thực tế hầu như không áp dụng”.
"Việc bỏ hình phạt tử hình trong một số tội danh không có nghĩa là khoan dung với tội phạm, mà là sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh pháp lý, nhận thức nhân quyền và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay"- Đại biểu Nga nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, Đại biểu Vũ Huy Khánh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, việc thể chế hoá chủ trương của Đảng về thu hẹp hình phạt tử hình để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Từ đó, khắc phục các hạn chế, bất cập trong các quy định áp dụng hình phạt tử hình của BLHS hiện hành. Việc bỏ tử hình với 8 tội danh và thay thế bằng hình phạt khác đã đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.
Tù chung thân không xét giảm án sẽ đảm bảo nhân đạo
Theo Đại biểu Nguyễn Anh Trí- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này có điểm nhấn quan trọng là “bổ sung thêm hình phạt tù chung thân không xét giảm án”. Theo đại biểu, bản chất là thu hẹp hình phạt tử hình.
“Quy định này làm việc xét xử hợp lý hơn, vì tuyên án tử hình là hình phạt rất cân não. Đây cũng là ý kiến của một vị Chánh án nhiều năm phát biểu tại đoàn ĐBQH TP Hà Nội: Nhiều khi có những tội, nếu xử tử hình thì nặng quá, mà chung thân thì hơi nhẹ, bây giờ có thêm hình phạt này làm cho quá trình xét xử phù hợp hơn"- Đại biểu Trí nói.
Bên cạnh đó, hình phạt này vẫn đạt được yếu tố răn đe vì đã đáp ứng yêu cầu loại trừ kẻ phạm tội ra khỏi đời sống xã hội, phù hợp quan điểm của Đảng và nguyện vọng của đa số người dân.
"Bộ luật vừa đảm bảo thực sự nghiêm khắc với tội phạm nhưng thể hiện được sự nhân đạo, phù hợp với ý chí của nhân dân, đó là một bộ luật nhân văn của một quốc gia văn minh. Vì vậy, tôi bày tỏ sự ủng hộ" - Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận,“tù chung thân không xét giảm án sẽ là hình phạt thay thế hợp lý cho tử hình đối với những tội danh đặc biệt nghiêm trọng nhưng có thể xét đến yếu tố nhân đạo, cải tạo lâu dài”. Đồng thời, tạo ra sự phân hóa rõ ràng giữa hình phạt tù chung thân thông thường và hình phạt tù chung thân không được xét giảm, từ đó phản ánh đúng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
Đề nghị bổ sung hình phạt tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả
Đáng chú ý, nêu ý kiến, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan- Đoàn ĐBQH TP.HCM băn khoăn với việc bỏ 4/8 tội danh gồm: tham ô, nhận hối lộ, sản xuất thuốc giả và vận chuyển trái phép chất ma túy. Lý do, tình hình tội phạm trong những lĩnh vực trên gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, ngày càng phức tạp hơn. “Bối cảnh ấy, tại sao chúng ta lại giảm án?", đại biểu băn khoăn.
Đại biểu cho rằng "nếu nhân văn với tội phạm thì thân nhân của nạn nhân, của những người đã chết vì tội này sẽ cảm thấy như thế nào?".
Nữ đại biểu phân tích thêm, khi thực hiện một trong 4 tội danh trên, người phạm tội hầu như "đều biết hậu quả như thế nào, làm sẽ chịu trách nhiệm ra sao". Thế nhưng, vẫn làm vì lợi ích bản thân. Do vậy, đề nghị giữ hình phạt tử hình để răn đe tội phạm. Đồng thời, để người dân thấy quyết tâm của Nhà nước về việc không khoan nhượng với tội phạm, góp phần lập lại trật tự, đảm bảo xã hội an toàn.
Đặc biệt, với tư cách một người chịu trách nhiệm phát hiện và xử lý vi phạm, cùng với hàng loạt vụ việc bị phát hiện thời gian qua, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị bổ sung hình phạt tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, nhất là thực phẩm chức năng và sữa giả (hiện nay cao nhất là chung thân).
"Những hành vi này ảnh hưởng đến người yếu thế trong xã hội, tác động rất lớn đến sức khỏe và niềm tin của người dân. Do vậy, không thể xuê xoa với tội phạm"- Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm.