Đây là con số được đưa ra trong Kế hoạch chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 20 vừa được Thứ trưởng Lê Đức Luận ký ban hành. Theo Bộ Y tế, đây cũng là con số ước đạt trong năm 2023, vượt so với chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Cụ thể, chỉ tiêu được giao của Bộ Y tế về tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế trong năm nay là 80%. Sơ bộ kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ này đạt 90%. Bộ Y tế ước tính việc thực hiện chỉ tiêu này trong năm nay đạt 90%.
Công tác đo lường sự hài lòng của người bệnh trong các bệnh viện được thực hiện thường quy tại các bệnh viện trong nhiều năm nay. Kết quả này dựa trên việc nhập dữ liệu của các bệnh viện theo thông tin trên Mẫu phiếu khảo sát sự hài lòng người bệnh nội trú và nhân viên y tế.
Mẫu phiếu dành cho người bệnh đánh giá sử dụng dịch vụ y tế dựa trên khả năng tiếp cận, sự minh bạch thông tin và thủ tục khám bệnh điều trị, cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh, thái độ ứng xử và năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, kết quả cung cấp dịch vụ.
Số liệu phần mềm trực tuyến của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho thấy, trong năm đã có hơn 1 triệu phiếu khảo sát được cập nhật lên. 3 địa phương có số phiếu khảo sát nhập lên nhiều nhất là TP.HCM, Hà Nội, Đắk Lắk…
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), việc cải tiến chất lượng nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như nhà vệ sinh bệnh viện, lối đi, điện nước… trong bệnh viện, đến những cải tiến sâu hơn về chuyên môn kỹ thuật. Hiện nay, việc khảo sát hài lòng người bệnh đã nâng lên một bước là đánh giá sự trải nghiệm của người bệnh đối với dịch vụ y tế để tìm ra những vấn đề chưa hài lòng.
Cũng trong bản kế hoạch này, Bộ Y tế cũng đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, hạn chế như: vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, sử dụng tài sản công, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc…
Vaccine cho tiêm chủng mở rộng chậm được cung cấp, tỷ lệ tiêm chủng ở một số vùng, nhóm dân tộc còn thấp, nhất là các nhóm dân di cư. Chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền còn chênh lệch lớn. Vẫn còn nhiều bệnh viện/trung tâm y tế cấp huyện bị xuống cấp, hư hỏng hoặc đang bị quá tải, cần được xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng.
Ngoài ra, một số dịch bệnh lưu hành như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bạch hầu vẫn còn ở mức có nguy cơ cao. Dịch bệnh AIDS có chiều hướng giảm so với những năm trước đây, nhưng hiện vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình vẫn ở mức cao (43% tổng chi y tế); việc mua sắm đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế còn vướng mắc.