Theo PGS Dương Thị Hồng, ở thời điểm thiếu vắc xin, người dân c thể buộc phải tiêm một loại khác với mũi thứ nhất nhưng cần theo di sát tình hình sức khỏe.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa ký quyết định phân bổ vắc xin Covid-19 của Pfizer. Đặc biệt, tại quyết định phân bổ này, Bộ Y tế nêu rõ "trường hợp số lượng vắc xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý và tiêm mũi thứ nhất cho những người chưa được tiêm chủng".
Về việc có thể tiêm 2 loại vắc xin Covid-19 hay không, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, một số nước tiến hành tiêm trộn như mũi 1 của AstraZeneca, mũi 2 của Pfizer với mong muốn tăng hiệu quả bảo vệ. Tuy nhiên, cách thức này chưa có đánh giá của WHO.
Hiện, nhà sản xuất và WHO đều khuyến cáo tốt nhất tiêm cùng một loại vắc xin đủ 2 liều. Trong trường hợp ở thời điểm thiếu vắc xin, người dân có thể buộc phải tiêm một loại vắc xin khác với mũi thứ nhất nhưng cần theo dõi sức khỏe sát sao.
Các vắc xin này đều có hiệu quả bảo vệ tương đương nhau, sau khi tiêm mũi 1 là 70%, mũi 2 là 80-90%. Vì vậy, mọi người không nên có tâm lý chờ đợi loại vắc xin khác.
Thời điểm giữa mũi tiêm thứ nhất và thứ hai tùy thuộc vào loại vắc xin Covid-19 đã tiêm. Nếu vắc xin Covid-19 là của Pfizer-BioNTech, Moderna, Sinopharm thì nên tiêm mũi thứ hai ít nhất khoảng 3-4 tuần sau mũi đầu tiên. Đối với vắc xin Covid-19 của AstraZeneca thì nên tiêm mũi thứ hai sau 8-12 tuần là lý tưởng nhất.
Tính đến nay, Việt Nam đã nhập gần 9 triệu liều vắc xin. Trong đó, hơn 6 triệu liều AstraZeneca, 2 triệu liều Moderna, nửa triệu liều Sinopharm, 1.000 liều Sputnik.