Thể thao

Bóng đá Đông Nam Á bao giờ mới hết chới với khi ra biển lớn?

Tuyết Nhung 29/09/2023 - 07:40

Sau Việt Nam và Thái Lan, Indonesia và Myanmar cũng không thể tạo nên bất ngờ trước những đối thủ mạnh hơn và bị loại khỏi vòng 1/8. Như vậy, Đông Nam Á hết đại diện ở bóng đá nam Asiad 19. Vấn đề này không chỉ riêng của Thái Lan, Việt Nam hay bất cứ nước nào. Mà câu hỏi đặt ra là bao giờ Đông Nam Á có thể thoát khỏi cái danh “vùng trũng” của bóng đá thế giới?

dong-nam-a-mot-the-luc-bong-da-moi.jpg

Đông Nam Á đang ở đâu trên bản đồ bóng đá?

Nếu so sánh trong vòng một thập kỷ qua (từ năm 2010 đến năm 2019), bóng đá Đông Nam Á đã có nhiều sự thay đổi. Tại bảng xếp hạng FIFA ở thời điểm năm 2010, Việt Nam khi đó còn đứng thứ 137 trên bảng xếp hạng của FIFA và thứ 3 Đông Nam Á, sau Thái Lan (hạng 121) và Indonesia (hạng 127). Các đội tuyển khác trong khu vực xếp rải rác ở các thứ hạng tiếp theo, từ hạng 140 (Singapore) đến hạng 201 (Timor Lester)

10 năm sau, các đội tuyển thuộc "vùng trũng" đã có tiếng nói hơn khi tham dự những giải đấu đẳng cấp châu Á. Trong đó đáng kể như Việt Nam đã lột xác để trở thành một đối thủ rất khó bị đánh bại ở sân chơi châu lục.

Việt Nam gây tiếng vang ở VCK U23 châu Á 2018, ASIAD 18, AFF Cup 2018, VCK Asian Cup 2019 rồi vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á và SEA Games 30.

Bất bại trong suốt 2 năm trước mọi đối thủ trong khu vực, Việt Nam chỉ bị khuất phục bởi những đối thủ hàng đầu châu lục như Iran, Iraq hay Nhật Bản. Điều đó giải thích tại sao Việt Nam tăng tới 43 bậc trên bảng xếp hạng sau một thập kỷ (lên hạng 94 thế giới).

Bên cạnh đó, sự thăng tiến đáng kể trong 10 năm qua phải kể đến Philippines (tăng 25 bậc) và Myanmar (tăng 13 bậc). Bóng đá các nước này đã cho thấy thay đổi rõ ràng, từ lối chơi, sự đầu tư bài bản. Đặc biệt là các lứa cầu thủ trẻ.

Còn Thái Lan từ vị thế “anh cả” của bóng đá khu vực đã sa sút trong thời gian gần đây và chỉ tăng có 8 bậc so với thời điểm 2010. Khoảng thời gian qua cũng chứng kiến sự tuột dốc của Singapore và Indonesia.

Singapore sau chức vô địch AFF Cup 2012 bắt đầu giai đoạn thất bại liên tiếp ở các cấp độ đội tuyển. Họ gần như vắng mặt ở mọi vòng knock-out và không còn được xếp vào hàng ứng cử viên vô địch trước các giải đấu khu vực. Kết thúc năm 2019, đội bóng đảo quốc sư tử xếp thứ 7 thế giới, giảm 10 bậc so với năm 2010.

aff.jpg
AFF Cup - giải đấu có thể phác hoạ về bức tranh toàn cảnh của các nền bóng đá trong khu vực.

Bóng đá Indonesia lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng do những mâu thuẫn giữa các bên làm bóng đá trong nước. Cộng thêm việc bị cấm thi đấu trong một giai đoạn càng khiến cho bóng đá xứ vạn đảo đi xuống. Hệ quả là Indonesia trở thành quốc gia thụt lùi nhất Đông Nam Á trong vòng 10 năm qua, từ vị trí thứ 127 tụt xuống thứ 173, nghĩa là tụt 46 bậc.

Nếu chỉ trong khu vực vẫn chưa thể tạo nên những sự bứt phá và ganh đua thì bóng đá Đông Nam Á làm sao có thể nâng cao trình độ để cạnh tranh ở cấp độ châu lục.

Vẫn chới với khi ra biển lớn

Sân chơi Asiad 19 là một ví dụ gần và rõ ràng nhất. Việt Nam bị loại từ vòng bảng, còn Thái Lan thua 0-2 trước Iran tại vòng 1/8 hôm qua. Ngày 28/9, Myanmar thất thủ 0-7 trước Nhật Bản, còn Indonesia thua Uzbekistan 0-2 dù thi đấu kiên cường.

Điều đó khẳng định, bóng đá Đông Nam Á dù đã có những tiến bộ nhất định thời gian qua nhưng vẫn chưa thể tiệm cận trình độ nhóm đầu châu lục.

img-9667_drue.jpg
Bóng đá trẻ Đông Nam Á hụt hơi ở đấu trường châu lục.

Dù ở bất cứ giải đấu nào trong khu vực, ở cấp độ đội tuyển quốc gia hay lứa tuổi trẻ, các cầu thủ của Đông Nam Á cho thấy sự lúng túng trước các pha đi bóng. Đối diện những hàng thủ mạnh, chỉ loanh quanh truyền bóng qua lại mà ít triển khai hiệu quả lối tấn công nhanh.

Vòng chung kết U-20 châu Á tại Uzbekistan cũng thể hiện rất rõ sự thua thiệt và yếu kém của mặt bằng bóng đá Đông Nam Á khi sau vòng bảng là sạch bóng các đội Đông Nam Á.

Đến vòng chung kết U-17 châu Á thì còn có chủ nhà Thái Lan chen chân vào tứ kết nhưng qua trận thua đậm Hàn Quốc thì cuộc chơi của các đội Đông Nam Á phải dừng bước.

Cơ hội cho bóng đá Đông Nam Á rõ ràng tụt lại rất xa. Đặc biệt ở lứa tuổi các cầu thủ trẻ, chúng ta tiến một bước thì các quốc gia khác đã tiến hai bước, ba bước... Và trong sự chuyển động đó chẳng khác gì mấy bóng đá Đông Nam Á đang giật lùi khi bước vào sân chơi châu Á.

hinh-anh-29-09-2023-luc-06.39.jpeg
Đại diện Đông Nam Á duy nhất vào tứ kết là Thái Lan hụt hơi rất rõ và để thua đậm Hàn Quốc. (Ảnh: AFC)

Sự khác biệt vẫn rất lớn khi nhìn Hàn Quốc và Nhật Bản thể hiện tại vòng chung kết U-17 thi đấu tại Thái Lan. Dù ở những lứa tuổi rất trẻ nhưng họ vẫn ở đẳng cấp cao, trưởng thành rất nhiều từ hình thể, sức mạnh, sức bền, không thua gì các cầu thủ đàn anh ở đội tuyển.

Sự thật cần nhìn nhận của bóng đá Đông Nam Á là chưa thể nâng cao trình độ để cạnh tranh ở cấp độ châu lục. Thậm chí các CLB thuộc hệ thống các giải đấu lớn nơi đây cũng tỏ ra “lép vế” tại AFC Champions League dù trước đó đã “làm mưa làm gió” trong nước.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng không bất ngờ trước thực trạng này và cho rằng, bóng đá Đông Nam Á còn thiếu quá nhiều điều kiện để phát triển.

“Thứ nhất, đào tạo trẻ ở khu vực còn manh mún. Không nói đâu xa, ngay Việt Nam chúng ta cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay được vài trung tâm đạt chuẩn như PVF, Viettel hay HAGL. Phần còn lại đều làm theo kiểu bản năng. Thế nên, sau lứa Quang Hải, chúng ta đang cho thấy lỗ hổng về lực lượng.

hinh-anh--09-2023-luc-23.44.jpeg
Bóng đá trẻ là tiền đề để các quốc gia "vùng trũng" bóng đá có nước rút tốt và mạnh ở World Cup nhưng qua những giải trẻ châu Á thì cho thấy bóng đá Đông Nam Á vẫn còn nhiều khó khăn.

Thái Lan có vẻ làm tốt nhất nhưng bản thân họ cũng chưa đạt kết quả như ý. Thứ hai, bóng đá Đông Nam Á thiếu tầm nhìn chiến lược. Các đội bóng năm này qua năm khác chỉ lo vô địch AFF Cup hay SEA Games, không chú trọng tới các kế hoạch dài hơi để hướng tới đấu trường lớn hơn. Việt Nam kể từ sau Giải U23 châu Á đã thay đổi cách nhìn nhưng về cơ bản vẫn đặt nặng đấu trường khu vực hơn châu lục.

Malaysia gần đây cũng đã chuyển mình còn người Thái ôm mộng vươn tầm từ vài năm trước nhưng vẫn cần thêm thời gian. Nhật Bản và Hàn Quốc đã mất một thời gian dài mới có được vị thế vững chắc như ngày nay nên bóng đá Đông Nam Á đương nhiên không thể vội vàng”, ông Tùng nêu ý kiến.

Bóng đá Đông Nam Á muốn thoát khỏi “vùng trũng” của thế giới sẽ còn rất nhiều điều cần làm. Trên hết là sự hợp tác để cùng phát triển của cả khu vực và hướng đến một tương lai tốt hơn. Thời gian, tiền bạc, công sức, tất cả sẽ chỉ có ý nghĩa khi được đặt vào đúng mục đích và giá trị.

Thực hiện: Tuyết Nhung

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bng đá Đng Nam Á bao giờ mới hết chới với khi ra biển lớn?