Giáo dục

Bữa cơm vội của thầy- Giấc mơ, tương lai của trò

Minh Anh 19/11/20 - 07:54

Nhìn vào đội ngũ học sinh, sinh viên đông đảo như hiện nay, ít ai ngờ Khoa Văn hoá - Nghệ thuật của trường Cao đẳng Lào Cai đã phải trải qua những ngày đầu chỉ 5, 6 học sinh. Những bữa cơm vội vàng bên lề đường, những giấc ngủ ngắn trên sàn nhà của thầy cô của khoa trở thành chuyện thường nhật. Nhưng họ vẫn miệt mài làm công việc "kỹ sư tâm hồn", kiên trì đi từng bản, xuống từng thôn ươm những mầm xanh, gieo những giấc mơ về tương lai tươi đẹp đến con em vùng cao.

bua-com-voi-2.jpg

Nếu mỗi năm học là một chuyến đò thì học trò là những người khách, thầy cô lại là người đưa đò bền bỉ qua những con sông của cuộc đời.

Đối với những vùng non cao, nơi núi sâu, hiểm trở, cơm ăn đôi khi còn thiếu thì nghề giáo lại cần phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần để giữ vững tay chèo. Đặc biệt còn là thử thách vô cùng lớn với những người giảng dạy trong lĩnh vực nghệ thuật. Bởi lẽ đây là những ngành học rất riêng biệt, giá trị của nó không phải ai cũng biết, cũng hiểu.

Không chỉ riêng vùng cao mà ở vùng đồng bằng cũng vậy, các cơ sở đào tạo Văn hoá, Nghệ thuật thường không phải là lựa chọn của số đông. Như Tiến sĩ Hà Mai Hương - Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế chia sẻ: "Mặc dù đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều ưu đãi và được quan tâm hơn trước, tạo những điều kiện thuận lợi, những cơ hội học tập, nhưng xu hướng chung các ngành nghệ thuật không là sự lựa chọn của số đông. Vì thời gian đào tạo dài, cơ hội việc làm và thu nhập không tương xứng với sự đầu tư ban đầu, nên không có nhiều người lựa chọn theo học nghệ thuật. Nguồn tuyển sinh vào các trường nghệ thuật ngày càng ít, có những ngành hiếm hoặc không có người học. Sinh viên ra trường chỉ ở một số chuyên ngành dễ tìm được việc làm, còn lại khó có cơ hội làm đúng nghề”.

Chính vì vậy, để có được một khoa đào tạo về nghệ thuật đúng nghĩa như hiện nay, các thầy cô khoa Văn hóa Nghệ thuật (Trường Cao đẳng Lào Cai) đã phải vượt qua những quãng đường vô cùng gian nan, vất vả, thấm đẫm biết bao giọt mồ hôi, cả máu và nước mắt.

Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu thành lập khoa, thầy Đỗ Xuân Quỳnh, Trưởng khoa Văn hóa Nghệ thuật (Trường Cao đẳng Lào Cai), chia sẻ: “Mình đã đi rất nhiều nơi, thăm rất nhiều trường nghệ thuật nhưng chỉ thấy ở Tây Bắc có điểm khác. Thông thường chỉ những gia đình có điều kiện mới cho con theo học nghệ thuật, bởi chi phí tốn kém hơn so với những ngành khác. Ở đây thì ngược lại, các em theo học đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số, điều kiện gia đình rất khó khăn. Có nhiều em bố mẹ còn chưa biết nói tiếng phổ thông”...

Hành trình tuyển sinh của các thầy cô của trường cũng vô cùng gian nan. Với phương châm “trò không tìm đến với thầy thì thầy sẽ tìm đến với trò”. Từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, Giảng viên Khoa Văn hóa Nghệ thuật đi khắp các trường THCS và THPT trên phạm vi toàn tỉnh và một số huyện như Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường của tỉnh Lai Châu hay Lục Yên, Văn Yên của tỉnh Yên Bái để tuyển sinh, sơ tuyển năng khiếu và tư vấn nghề nghiệp. Giải pháp này hiệu quả nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức”.

Giữa những ngày mưa phùn gió lạnh nơi vùng cao Lào Cai, bước chân của các thầy cô giáo khoa Văn hóa Nghệ thuật (Trường Cao đẳng Lào Cai) vẫn không ngừng lặng lẽ đến từng thôn bản, gõ cửa từng gia đình. Một ngày theo chân họ mới biết, tuyển sinh không chỉ là công việc, mà là hành trình gieo hy vọng, thắp sáng tương lai cho những mầm non nghệ thuật nơi núi rừng.

Để có đủ học sinh cho năm học mới, các thầy cô phải tự mình băng qua những con đường đất đỏ lầy lội, đôi khi cả những con dốc cao hun hút. Đến từng nhà, nhẹ nhàng thuyết phục phụ huynh, giải thích ý nghĩa của việc học nghệ thuật trong cuộc sống hiện đại. Nhiều gia đình lần đầu tiên nghe đến việc con em mình có thể học vẽ, học múa, học nhạc cụ – những điều tưởng chỉ dành cho người thành phố.

bua-com-voi-v.jpg
Những bữa cơm vội vàng bên lề đường, những giấc ngủ ngắn trên sàn nhà đơn sơ của bà con là chuyện thường nhật.

Mỗi buổi đến nhà dân là một câu chuyện khác nhau. Có gia đình nghe xong liền đồng ý, nhưng cũng có những ngôi nhà đóng kín cửa, không lời hồi đáp. Có hôm, các thầy cô phải chờ đến tận chiều tối mới gặp được bố mẹ các em vì họ đi làm nương cả ngày. Những bữa cơm vội vàng bên lề đường, những giấc ngủ ngắn trên sàn nhà đơn sơ của bà con dường như trở thành chuyện thường nhật.

Vất vả là thế, nhưng với các thầy cô, mỗi học sinh đến trường là một niềm vui, là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Họ hiểu rằng, phía sau từng ánh mắt bỡ ngỡ, từng bước chân rụt rè bước vào lớp học là những giấc mơ lớn đang được ươm mầm.

Học nghệ thuật, với nhiều em, không chỉ là học một môn năng khiếu, mà còn là cơ hội thay đổi cuộc đời. Các thầy cô chấp nhận khó khăn để mang đến cho các em môi trường tốt nhất có thể. Dù là lớp học còn thiếu thốn nhạc cụ, bút vẽ, hay những buổi tập múa trên nền sân trường lấm bụi… Các thầy cô vẫn kiên nhẫn, tận tâm hướng dẫn từng bước, từng nốt nhạc, từng nét vẽ đầu tiên.

nghe-thuat7.jpg
Sau khi trưởng thành, các em sẽ mang những điều tốt đẹp học được trở về phục vụ quê hương.

Những bữa cơm giản dị của thầy cô sau một ngày dài lại trở thành khoảng thời gian để họ chia sẻ và động viên nhau. Họ mơ về một tương lai, khi những lứa học sinh qua từng năm sẽ trưởng thành. Các em sẽ mang những điều tốt đẹp học được trở về phục vụ quê hương.

Với họ, mỗi chuyến đi, mỗi khó khăn không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là một hành trình để thực hiện ước mơ. Ước mơ của trò – được học, được chạm tay vào nghệ thuật, chạm vào tương lai tốt đẹp hơn. Ước mơ của thầy – mang đến cho vùng cao một thế hệ mới, tự tin hơn, sáng tạo hơn, và biết rằng mình có thể thay đổi cuộc sống bằng chính tài năng của mình.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bữa cơm vội của thầy- Giấc mơ, tương lai của tr