Sau cơn mưa lớn chiều tối 7/5, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP.HCM xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Vào chiều tối 7/5, TP.HCM xuất hiện cơn mưa trên diện rộng, gây ngập úng nghiêm trọng tại nhiều tuyến đường, khu vực.
Đến sáng 8/5, trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn qua địa bàn các quận: Tân Bình, Phú Nhuận, quận 3, quận Bình Thạnh và quận 1 xuất hiện cảnh cá chết hàng loạt, nổi trắng mặt nước.
Ghi nhận của phóng viên, đoạn kênh dài khoảng 5km từ cầu Thị Nghè (quận 1) đến cầu Công Lý (quận 3) dày đặc xác cá rô phi, cá chép, diêu hồng... trương phình, lật bụng trắng xoá, nổi lềnh bềnh trên mặt nước trộn lẫn với rác thải.
Không những vậy, xung quanh các cây cầu lớn như cầu Điện Biên Phủ (nối quận 1 và Bình Thạnh), cầu Hoàng Hoa Thám, cầu Kiệu (nối quận 1 và Phú Nhuận)... cũng tràn lan xác chết các loại cá, nhiều con có kích thước lớn hơn bàn tay, dạt vào hai bên bờ kèm theo rác, lục bình và bong bóng khí nổi lăn tăn.
Ngoài ra, cảnh tượng hàng đàn cá ngoi kín mặt nước, há miệng đớp khí trong màn nước đặc quánh, đen kịt cũng khiến nhiều người lo ngại mức độ ô nhiễm.
Theo quan sát của phóng viên, tình trạng cá chết sau cơn mưa lớn làm ô nhiễm môi trường nặng nề, mùi hôi thối toả ra khắp mọi nơi khiến cuộc sống người dân xung quanh bị ảnh hưởng.
Nhiều người đi qua đây dù đã đeo khẩu trang kín mít nhưng vẫn phải dùng tay bịt chặt mũi vì không chịu nổi mùi hôi từ kênh bốc lên.
"Tôi chạy qua đây mà còn nghe mùi hôi nồng nặc, các hộ dân sống xung quanh chắc bị ô nhiễm lắm", chị Thảo, người dân đi đường nói.
Ông Hổ, người có nhiều năm vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết, hiện tượng cá chết sau cơn mưa đầu mùa là tình trạng xảy ra định kỳ hằng năm, đặc biệt khi TP.HCM bắt đầu bước vào mùa mưa.
Ông Hổ nhận định, nguyên nhân lớn nhất khiến cá chết là do sự thay đổi đột ngột của môi trường nước. Khi mưa lớn cuốn theo bùn đất, dầu mỡ, rác thải và các chất ô nhiễm từ hệ thống cống thoát nước đổ ra kênh, môi trường sống của cá bị xáo trộn nghiêm trọng, khiến nhiều loài không kịp thích nghi và chết hàng loạt.
Không chỉ vậy, hiện tượng bọt khí từ dưới đáy kênh bắn lên sau những cơn mưa lớn cũng khiến cá bị sốc. Ngoài ra, các dòng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý từ hàng trăm ống cống nhỏ đổ ra kênh là nguyên nhân lâu dài khiến chất lượng nước ngày càng kém.
Sau khi xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, các nhân viên dịch vụ công ích đã đến để vớt rác, vớt cá trên kênh, tránh tình trạng phân hủy, gây ô nhiễm nặng hơn.
Tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã xảy ra từ nhiều năm qua.
Trước đó, vào năm 2016, công nhân môi trường đã vớt được tới 70 tấn cá chết tại con kênh này.