28 ngân hàng chi tổng cộng 6.504 tỷ đồng cho chí phí bảo hiểm tiền gửi khách hàng, trong đó ba ngân hàng Big4 chi hơn 2.700 tỷ đồng, chiếm 42%.
Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là xu hướng phát triển chung của thị trường tài chính thế giới, đây được coi là một công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa rủi ro, ngăn ngừa khủng hoảng, bảo vệ người gửi tiền và giảm gánh nặng xử lý đổ vỡ cho ngân sách quốc gia.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/12/2022, có 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, một ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Trong năm 2021, tổng số phí BHTG thu được đạt 9.201 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2020. Tính đến 30/9/2022 tổng nguồn vốn của BHTG Việt Nam đạt gần 93.000 tỷ đồng.
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý IV/2022 của 28 ngân hàng cho thấy tổng chi phí BHTG của những ngân hàng này năm 2022 đạt 6.504 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm trước và chiếm 0,0008% so với tổng tiền gửi khách hàng của các ngân hàng này (hơn 8,2 triệu tỷ đồng).
Trong đó, tổng phí BHTG của ba "ông lớn" Vietcombank, BIDV và VietinBank đạt 2.705 tỷ đồng, chiếm gần 42% tổng chi phí BHTG của 28 ngân hàng.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank và ACB là hai ngân hàng tư nhân có mức đóng NBHTG cao nhất với 551 tỷ đồng và 455 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,8% và 8,3% so với năm trước. Sacombank cũng là ngân hàng tư nhân có lượng tiền gửi khách hàng cao nhất với 454.740 tỷ đồng.
Xét về mức độ tăng trưởng, MB là ngân hàng có mức tăng mạnh nhất với chi phí BHTG năm 2022 đạt 344 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm trước. MB là ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng lớn thứ 5 hệ thống và là ngân hàng tư nhân có lượng tiền gửi chỉ đứng sau Sacombank, với 443.605 tỷ đồng, tăng % so với năm 2021.