Dự báo nhu cầu giãn, hoãn nợ sẽ không nhỏ nên các ngân hàng phải thận trọng hơn rất nhiều, sàng lọc các khách hàng rất kỹ.
Sau khi Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ… chính thức được ban hành, mới đây, các tổ chức tín dụng đã nhanh chóng xây dựng quy trình nội bộ, rà soát nhu cầu giãn, hoãn nợ của các khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn.
Giới ngân hàng cho biết, việc xem xét, cơ cấu nợ xuất phát từ 2 phía: Bên cạnh việc các khách hàng chủ động đề xuất thì bản thân các kênh phân phối của ngân hàng cũng sẽ đánh giá về nguồn thu nhập, cũng như khả năng trả nợ liên tục, để có những hỗ trợ kịp thời.
Dù chưa có đánh giá cụ thể về số lượng khách hàng cần được cơ cấu nợ, nhưng các ngân hàng dự báo nhu cầu là không nhỏ.
Vì thế, khi thực hiện cơ cấu nợ, các ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn rất nhiều, sàng lọc các khách hàng rất kỹ. Ngân hàng vẫn phải song song thực hiện các biện pháp thu hồi nợ hoặc là hỗ trợ khách hàng với các biện pháp hỗ trợ thông thường, song song với cơ chế này của Ngân hàng Nhà nước.
Về việc giãn hoãn nợ cho khách hàng theo Thông tư 02, các ngân hàng sẽ lập kế hoạch dự phòng đầy đủ. Khi gia hạn 12 tháng, giữ nguyên nhóm nợ nhưng mà vẫn trích dự phòng đầy đủ. Đối với một ngân hàng thương mại, việc đánh giá một khách hàng có khả năng trả nợ hay không là nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch, không mơ hồ.
Theo giới tài chính, việc giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ bản chất là đẩy vấn đề về tương lai. Dù có thể hỗ trợ người vay, nhưng phần chi phí vẫn đặt lên vai ngân hàng khi phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ sau đó, cũng như việc trích lập dự phòng.
Trước mắt, từ tuần tới, việc giãn, hoãn nợ sẽ được triển khai đồng loạt tại các ngân hàng. Các khoản vay phát sinh trước ngày /4 có hạn trả nợ gốc hoặc lãi từ ngày /4 năm nay đến 30/6 năm sau sẽ được giãn nợ tối đa là 12 tháng.
Như vậy, có thể hiểu, Ngân hàng Nhà nước trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng.
Ngân hàng được linh hoạt giảm áp lực trích lập dự phòng trước mắt với các khoản nợ xấu, còn doanh nghiệp có cơ hội không bị đưa vào nhóm nợ xấu, từ đó có điều kiện tiếp tục vay vốn phục hồi sản xuất.
Như vậy, chính sách này đã đánh trúng nhu cầu của cả 2 bên doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả chính sách mong muốn, thì quá trình thực thi tới đây sẽ đóng vai trò then chốt.