Bộ Y tế vừa c văn bản đề nghị thay phương pháp gây tê tủy sống bằng gây mê nội khí quản khi mổ lấy thai.
Thông tin này được nêu rõ trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký cuối tháng 6 vừa qua về việc áp dụng phương pháp vô cảm (trong đó phổ biến nhất là gây tê tủy sống) trong mổ lấy thai.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết việc thay thế bằng phương pháp gây mê nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng với các sản phụ trên trong quá trình đẻ mổ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến
Bộ Y tế đã theo dõi nhiều trường hợp tai biến tại địa phương và những ý kiến phản ánh từ các đơn vị. Qua đó, những sản phụ này có nguy cơ tai biến cao (suy đa tạng, rối loạn đông máu, ngừng tim, tắc mạch ối) nếu áp dụng gây tê tủy sống khi mổ lấy thai. Họ thường bị chảy máu nhiều và tụt huyết áp nên rất nguy hiểm.
Theo thứ trưởng Tiến, trên thực tế ở Việt Nam, hầu hết các bệnh viện đã thực hiện đúng quy định về gây tê tủy sống. Tuy nhiên, qua theo dõi, giám sát và thẩm định tại không ít địa phương vẫn còn cơ sở y tế gây tê tuỷ sống trong mọi trường hợp. Trong đó, việc áp dụng gây tê tủy sống với những trường hợp sản phụ có bệnh lý như bệnh tim, huyết áp... dễ gây nên một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng...
"Trong trường hợp tai biến, việc cấp cứu cực kỳ vất vả, nguy cơ tử vong rất cao. Ngay cả cơ sở y tế hiện đại cũng khó có thể cứu chữa”, thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Công văn số 3614/BYT-BM-TE của Bộ Y tế
Giải thích về viêc ban hành công văn này, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, thực chất công văn này không phải là cấm hoàn toàn việc thực hiện gây tê tủy sống khi sinh mổ mà mang tính chất nhắc nhở các cơ sở y tế, đặc biệt là ở tuyến cơ sở về việc không thực hiện phương pháp này trong một số trường hợp vì dễ xảy ra tai biến.
“Thực ra 10 ca gây tê tủy sống thì có thể một ca bị biến chứng như tụt huyết áp, chảy máu, thậm chí nguy cơ ngừng tim, việc cấp cứu cực kỳ vất vả, nguy cơ tử vong cao. Vì thế, để an toàn cho sản phụ, Bộ Y tế yêu cầu gây mê toàn thân trong những trường hợp đặc biệt”, thứ trưởng Tiến nói.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng lưu ý: “Gây mê nội khí quản không được sử dụng cho trường hợp sản phụ ăn no. Nếu phải mổ cấp cứu thì nên hút sạch thức ăn ở dạ dày mới được gây mê nội khí quản. Do đó, nếu bác sĩ ngại phiền toái không hút thức ăn ở dạ dày vẫn gây mê cho bệnh nhân thì cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây sặc. Nếu không phải phẫu thuật cấp cứu thì nên để qua 6 tiếng, thức ăn tiêu hoá hết khỏi dạ dày mới tiến hành gây mê nội khí quản.
Đối với trường hợp sản phụ vừa có bệnh lý nêu trên kèm theo hen phế quản không thể gây mê nội khí quản mà cần gây tê tủy sống nhưng phải lường trước được biến chứng có thể xảy ra, chuẩn bị sẵn sàng có thể cấp cứu được để tránh nguy hiểm cho sản phụ trong cuộc mổ".