Tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, gồm vốn ngoài ngân sách, vốn của các doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác.
Theo Quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được ban hành, tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 chủ yếu từ vốn ngoài ngân sách, vốn của các doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác. Nguồn lực Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ quốc gia.
Mục tiêu quy hoạch là phát triển hạ tầng để đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.
Cụ thể, đối với hạ tầng dự trữ xăng dầu, phấn đấu đáp ứng tối thiểu 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030, đến 25 ngày nhập ròng giai đoạn sau năm 2030.
Đảm bảo hạ tầng dự trữ thương mại ổn định nhu cầu thị trường trong nước với sức chứa tăng thêm từ 2,5 - 3,5 triệu m3 trong giai đoạn 2021 - 2030, đạt sức chứa tới 10,5 triệu m3 giai đoạn sau năm 2030, đáp ứng 30 - 35 ngày nhập ròng.
Đồng thời, đảm bảo hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia với sức chứa từ 500.000 - 1.000.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 1 - 2 triệu tấn dầu thô, đáp ứng - 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030; đảm bảo sức chứa từ 500.000 - 800.000 m3 sản phẩm xăng dầu và 2 - 3 triệu tấn dầu thô, đáp ứng 25 - 30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030.
Đối với hạ tầng dự trữ khí đốt, phấn đầu đảm bảo hạ tầng dự trữ đối với LPG sức chứa tới 800.000 tấn giai đoạn 2021 - 2030 và tới 900.000 tấn giai đoạn sau năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu phân bố tương ứng với nhu cầu sản xuất và tiêu thụ xăng dầu của các vùng, các địa phương; tối ưu về chi phí đầu tư, quản lý và vận hành.
Cụ thể, các nhà máy sản xuất và chế biến xăng dầu xây dựng hệ thống kho dự trữ theo công suất thiết kế, đáp ứng ngày nguyên liệu và 10 ngày sản phẩm.
Về hạ tầng dự trữ quốc gia, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ xây mới 500.000 m3 kho chứa xăng dầu; xây mới 1 - 2 kho dự trữ dầu thô tại các khu vực gần nhà máy lọc dầu (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn) với tổng công suất 1 - 2 triệu tấn dầu thô.
Với hạ tầng dự trữ thương mại, sẽ tiếp tục khai thác 89 kho hiện có; mở rộng 43 kho với tổng công suất tăng thêm khoảng 1,4 triệu m3; xây mới 59 kho xăng dầu đã được quy hoạch, với tổng công suất khoảng 5,1 triệu m3.
Ngoài ra, hệ thống đường ống xăng dầu hiện có với gần 581 km sẽ được đầu tư nâng cấp; sau đó xây mới tuyến ống dẫn nhiên liệu bay từ kho đầu nguồn tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về kho sân bay Long Thành.
Đối với hệ thống khí đốt, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục khai thác 16 kho LPG hiện có; đầu tư, xây dựng và khai thác hiệu quả hạ tầng dự trữ LNG tại Khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với tổng công suất khoảng 5,1 triệu tấn/năm. Mở rộng sức chứa các kho hiện có và xây mới hệ thống kho nhập khẩu LNG.
Để phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 theo quy hoạch, cần nguồn vốn khoảng 270.000 tỷ đồng, chủ yếu từ vốn ngoài ngân sách.