Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ trọng án liên quan tới việc mâu thuẫn trong quá trình đòi nợ. Gần đây nhất tại Thanh Hóa, do bị chủ nợ lăng mạ, tát vào mặt khi đòi nợ, một đối tượng đã chạy về nhà lấy dao nhọn quay lại đâm chết người. Cần làm gì để lấy lại tài sản mà tránh những bi kịch đáng tiếc khi người vay nợ cố tình không trả, là câu hỏi nhiều người quan tâm.
Đâm chết chủ nợ vì bị tát ở quán bia
Ngày 1/4, tại phố Thành Yên, phường Quảng Thành (TP. Thanh Hóa) đã xảy ra một vụ án mạng khiến 1 người bị đâm chết. Nghi phạm là Hoàng Ngọc Văn (SN 1988; ngụ phố Thành Yên, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa) nhanh chóng bị bắt giữ để điều tra.
Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng tháng 5/2023, Hoàng Ngọc Văn có vay của ông B.D.T. (SN 1981; ngụ phố Thành Yên, phường Quảng Thành) số tiền 25 triệu đồng để trang trải cho công việc làm ăn, nhưng chưa có điều kiện để trả nợ.
Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 1/4, Văn đang uống bia thì ông T. gọi điện cho Văn để đòi nợ và chửi bới Văn qua điện thoại khiến Văn bực tức. Sau đó, Văn đi đến quán S.T. (nơi ông T., đang uống bia) để nói chuyện nhưng ông T. không trả lời mà còn tiếp tục chửi bới và lao vào dùng tay tát 2 cái vào má Văn.
Bực tức, Văn chạy về nhà lấy 1 con dao nhọn rồi quay lại quán bia lao vào dùng dao đâm ông T. 2 nhát vào ngực và bụng khiến ông T. tử vong tại chỗ.
Đây không phải là trường hợp hy hữu khi xảy ra mâu thuẫn, xô xát đánh nhau, giết người liên quan tới việc vay nợ. Giữa người cho vay và người vay thường có mối quan hệ thân quen, anh em, hàng xóm láng giềng, bạn bè…
Việc giúp người trong trường hợp bí bách về tài chính để vượt qua khó khăn là điều nên làm, có tính nhân văn. Người vay cần xác định rõ trách nhiệm trả nợ theo cam kết vì “đồng tiền đi liền khúc ruột”.
Một số người sau khi vay, mượn được tài sản lại chi tiêu không hợp lý dẫn tới mất khả năng trả nợ như cam kết. Trong khi đó, không ít người dù có điều kiện để trả lại nhưng không chịu trả dẫn tới mâu thuẫn, thậm chí là thách thức nhau.
Cần làm gì để đòi lại tài sản?
Trường hợp người vay nợ thực sự đang còn khó khăn chưa có lối ra thì phải chủ động ngồi lại với chủ nợ để trao đổi, chia sẻ, tìm tiếng nói chung về cách thức, phương hướng giải quyết phù hợp cho món đã vay, mượn. Không nên tìm cách khất lần, khất lượt, trốn tránh, thậm chí là bỏ đi khỏi địa phương. Điều này không giải quyết được vấn đề cốt lõi là khoản nợ đang còn mà làm cho chủ nợ lo lắng, nghi ngờ dẫn tới những hành vi thiếu kiểm soát.
Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Đoàn Luật sư Thanh Hóa) cho biết: Luật pháp không cấm việc cho vay, mượn tài sản giữa các cá nhân, tổ chức. Lưu ý, việc cho vay, mượn nếu lãi suất vượt quá quy định của luật pháp sẽ dễ vướng vào tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Thông thường khi vay tiền, người vay thường đem nhiều thứ ra để hứa, đảm bảo sẽ trả nợ đúng hạn nhằm lấy lòng người cho vay. Trong tình huống người vay dù có mong muốn thực hiện trả nợ đúng hạn nhưng do hoàn cảnh chưa thể xoay xở được thì nên chủ động trình bày cụ thể với người cho vay để thông cảm, có lộ trình rõ ràng để trả nợ.
Khi không tìm được tiếng nói chung, người cho vay nên khởi kiện ra tòa để được phân xử bằng một bản án, bảo vệ quyền lợi của mình một cách văn minh.
Trường hợp người vay nợ có điều kiện để trả nợ nhưng cố tình không chị trả thì pháp luật cũng đã có quy định để xử lý hành vi này. Cụ thể, Điều 175 Bộ luật Hình sự 20 (sửa đổi 2017) đã quy định về "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hình thức vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được thực hiện do cố ý, với mục đích muốn chiếm đoạt được tài sản. Trên thực tế hiện nay một người sau khi vay, mượn, thuê tài sản bằng các hình thức hợp đồng rồi bỏ trốn, nhưng để chứng minh họ có bỏ trốn, nhằm chiếm đoạt tài sản hay không là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
Khung hình phạt cao nhất cho tội danh này lên tới 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo điểm c, d khoản 1 Điều Nghị định 144/2021/NĐ-CP: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Vì vậy, khi hai bên không tự tìm được tiếng nói chung thì nên nhờ tới các cơ quan chức năng, trong đó có Tòa án đối với giao dịch dân sự, cơ quan công an khi có dấu hiệu của hành vi lạm nhiệm tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.