Vấn đề quan tâm

Cân nhắc bỏ hình thức xét tuyển sớm

Trang Nhi 07/12/20 - 08:43

Theo chuyên gia, cần cân nhắc bỏ hình thức xét tuyển sớm, đẩy sớm thời gian xét tuyển đợt 1 để đợt 2 các trường tiếp tục tuyển sinh những em có nguyện vọng thực sự.

Tạo điều kiện để các trường và thí sinh thuận lợi nhất

Quy định “siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm được Bộ GD-ĐT đưa ra tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đang gây nhiều ý kiến tranh luận thời gian gần đây.

xet-tuyen-1.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Dự thảo đang trong quá trình xây dựng, xin ý kiến để hoàn thiện. Quy chế mới sẽ được áp dụng từ mùa tuyển sinh năm 2025.

Tại Dự thảo Thông tư, Bộ GD-ĐT quy định cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.

Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Góp ý về dự thảo, hầu hết các chuyên gia, các Sở GD-ĐT, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học bày tỏ đồng thuận, nhất trí cao với dự thảo thông tư và cho rằng, những điểm mới của dự thảo sẽ tháo gỡ được các vướng mắc.

Tiến sĩ Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao tri thức, Trường Đại học Thành Đô, ủng hộ việc Bộ GD-ĐT “siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm, thậm chí có thể tiến tới không xét tuyển sớm.

Theo ông, việc xét tuyển sớm không tạo sự công bằng giữa các thí sinh với nhau. Do có quá nhiều thang đo đánh giá, một học sinh không thể chuẩn bị được hết, nhất là với những em vùng khó khăn. Những đối tượng nào phù hợp với các tiêu chí xét tuyển sớm sẽ được chọn trước, trong khi chưa chắc đã là giỏi nhất, phù hợp nhất. Bên cạnh đó, những trường lớn, lâu đời sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi xét tuyển sớm so với những trường nhỏ.

Còn bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và quy định điểm chuẩn trúng tuyển đảm bảo được sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển và giảm được được các tồn tại nêu trên.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đồng tình với quy định việc xét học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, vì như vậy, đảm bảo đánh giá kiến thức của thí sinh trong toàn cấp THPT và tránh được hiện tượng học lệch, hoặc bỏ không học một số môn ở Học kỳ II năm lớp 12, vì chỉ học các môn để thi tốt nghiệp.

tuyen-sinh.jpg
Cân nhắc bỏ hình thức xét tuyển sớm.

“Siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm là hợp lý

PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính đề nghị, cần mạnh dạn bỏ hình thức xét tuyển sớm, bởi con số 20% dành cho xét tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa. Đồng thời, đẩy sớm thời gian xét tuyển đợt 1 để đợt 2 các trường tiếp tục tuyển sinh những em có nguyện vọng thực sự...

Chung quan điểm, TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho rằng, việc các em lơ là, không tập trung học ở thời điểm cuối năm lớp 12, hay các em chỉ tập trung học những môn học để thi ở THPT cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, làm mất cân bằng đến quá trình các em học đại học sau này. TS Võ Thanh Hải cũng ủng hộ việc bỏ hình thức xét tuyển sớm, đi cùng với đó siết chặt lại các quy định, để công tác tuyển sinh công bằng và hiệu quả hơn...

Tiến sĩ Lê Đông Phương, chuyên gia giáo dục đại học, nêu quan điểm, Bộ GD-ĐT có thể xem xét hai phương án.

Phương án thứ nhất là tiến tới bỏ hẳn xét tuyển sớm, để chờ đến khi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT mới xét tuyển. Trên thực tế, việc xét tuyển sớm cũng sẽ có những phức tạp nhất định. Hiện nay, nhiều người thấy “rối như tơ vò” với rất nhiều phương thức xét tuyển, với các mốc thời gian xét tuyển khác nhau, xét tuyển sớm, xét tuyển đúng rồi xét tuyển muộn. Các phụ huynh, học sinh, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế chưa tốt, việc tiếp cận thông tin chưa tốt sẽ rất khó để nắm bắt.

Phương án thứ hai, nếu đã chấp nhận xét tuyển sớm, cho các trường đại học có quyền tự chủ tuyển sinh, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh có tâm thế tốt hơn để bước vào việc học tập đại học thì nên nâng tỷ lệ lớn hơn 20% hoặc không nên giới hạn chỉ tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc bỏ hình thức xét tuyển sớm