Còn khoảng hơn 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, các làng hoa trên địa bàn TP. Cần Thơ đang tất bật chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Dù rất lo ngại về đầu ra sản phẩm có thể gặp khó do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế, nhưng nông dân vẫn duy trì sản xuất nhiều loại hoa, kiểng.
Tại làng hoa xã Tân Thới (huyện Phong Điền) và làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy), từ tháng 7 âm lịch, các hộ dân đã xuống giống hàng triệu cây hoa các loại, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán.
Những năm gần đây, các loại hoa chậu, hoa treo trang trí và hoa chất lượng cao như: lan, ly ly, hoa cúc mâm xôi loại mới... được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Chính vì thế, nhiều hộ dân trồng hoa đã đầu tư công nghệ kỹ thuật biệt để có những loại hoa, kiểu hoa chất lượng nhất.
Để phát triển hiệu quả diện tích, mô hình trồng hoa tại các vùng trồng, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền… đang tiếp tục vận động chủ nhà vườn đầu tư khoa học, công nghệ, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, luôn tìm các giống mới.
Khuyến khích nông dân tăng diện tích lên hàng năm để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế trên diện tích đất trồng sẵn có. Đồng thời, mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật mới cho người dân để áp dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất. Đây sẽ là những giải pháp quan trọng để các vùng trồng hoa, cây cảnh tại các địa phương ngày càng phát triển thương hiệu, đem lại thu nhập cao, bền vững hơn cho người dân.
Ông Trần Văn Tám (ngụ ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền), chia sẻ: "Tôi phải chủ động liên hệ với nhiều nơi bằng điện thoại để tìm mua và phải chấp nhận bỏ ra khoản chi phí cao để thuê xe tải luồng xanh vận chuyển phân rơm, vật tư phục vụ sản xuất. Kết quả, tôi đã xuống giống sản xuất được hơn 2.000 chậu hoa các loại, tập trung chủ yếu là cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cát tường và mai dạ thảo...
So với năm trước, năm nay số lượng hoa tôi sản xuất có giảm nhưng vẫn giữ được số lượng khá lớn. Tôi rất mong, Tết tới đây, chợ hoa Tết mở bán bình thường và giá cả đầu ra sản phẩm thuận lợi để gia đình có được nguồn thu nhập nhằm đảm bảo cuộc sống”.
Năm nay, nông dân còn gặp khó do bởi kinh tế, thời tiết, thủy văn và nhiều điều kiện sản xuất bất lợi. Ông Nguyễn Duy Hùng (khu vực Bình Trung, phường Long Hòa, quận Bình Thủy) cho biết, đã xuống giống 500 chậu hoa cúc các loại để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Năm nay, người trồng hoa kiểng không chỉ gặp khó trong tìm mua cây giống và nhiều loại vật tư, mà giá thuê mướn nhân công, phương tiện vận chuyển và nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh.
Tại TP. Cần Thơ, hoa kiểng được trồng tại hầu khắp các quận, huyện. Song tập trung nhiều là tại làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ thuộc các phường Long Tuyền, Long Hòa (quận Bình Thủy) và làng hoa Tân Long A (xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền).
Bên cạnh đó, hoa còn được trồng tại các phường Thốt Nốt, Trung Kiên và Thuận Hưng (quận Thốt Nốt), phường Thới An Ðông (quận Bình Thủy), phường An Bình (quận Ninh Kiều)...
Dù lượng hoa kiểng nông dân chuẩn bị cho mùa Tết năm nay có giảm mạnh về số lượng so với năm trước, nhưng nhìn chung vẫn khá đa dạng chủng loại, với nhiều loại hoa, kiểng lá và cả các loại kiểng bonsai. Các loại hoa hiện đã được nông dân tập trung xuống giống trồng nhiều là: cúc mâm xôi, cúc đài loan, cúc tiger, cúc pico, cát tường, hồng nhung, mai dạ thảo, các loại hoa chậu treo, sen đá...
Ông Lê Khắc Qui, Giám đốc HTX Hoa kiểng Tân Long A (xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền), cho biết: HTX có 38 thành viên, với diện tích đất canh tác hơn 4,7ha. Ðến thời điểm này, nông dân tại HTX đã xuống giống gieo trồng được 62.000 chậu hoa, kiểng các loại, riêng hộ cá nhân cũng xuống giống được hơn 8.000 chậu.
Nhìn chung, chi phí sản xuất nhiều loại hoa kiểng đã tăng khoảng 20% so với năm trước, nên nông dân rất mong tới đây hoa kiểng cũng bán được giá cao. HTX sản xuất hoa kiểng đạt tới 220.000 chậu các loại, còn Tết Nguyên đán 2023 sản xuất được khoảng 120.000 chậu, riêng Tết năm nay dự kiến chỉ sản xuất đạt khoảng 62.000 chậu trở lại.
Theo ông Huỳnh Văn Bằng, Giám đốc HTX hoa kiểng Phó Thọ, (phường Long Hòa, quận Bình Thủy), dù nhiều hộ dân vẫn rất nỗ lực để duy trì nghề làm hoa kiểng, nhưng nhìn chung số lượng hoa kiểng được các hộ dân chuẩn bị để phục vụ Tết Nguyên đán 20 giảm rất mạnh so với các năm trước. Nguyên nhân do chi phí sản xuất tăng và giá cả đầu ra sản phẩm khó dự đoán trong tình hình kinh tế khó khăn, phức tạp.
Bên cạnh đó, đa phần bà con sử dụng nguồn vốn tự có và sản xuất với số lượng vừa sức của mình để tận dụng lao động trong gia đình nhằm “lấy công làm lời”, hạn chế thuê mướn thêm nhân công lao động và vay vốn để đầu tư cho sản xuất. Năm nay, số lượng hoa kiểng được sản xuất tại nhiều địa phương bị giảm nên nhiều bà con rất kỳ vọng tới đây sẽ bán được giá cao.
Dù bà con vẫn đang tiếp tục xuống giống thêm hoa vạn thọ và một số loại hoa kiểng ngắn ngày khác, nhưng năm nay lượng hoa kiểng sản xuất tại làng nghề chắc chắn sẽ không đạt ở mức cao như các năm trước. Hiện chưa có các đơn vị, doanh nghiệp đặt hàng thu mua hoa, kiểng và chưa biết điều kiện đi lại để bán hoa kiểng trong dịp Tết tới đây như thế nào nên bà con không dám đẩy mạnh sản xuất.
Ðể an tâm sản xuất và có đầu ra sản phẩm thuận lợi, hộ dân trồng hoa kiểng rất mong ngành chức năng quan tâm có giải pháp ổn định giá các loại vật tư đầu vào và tăng cường công tác thông tin thị trường, hỗ trợ kết nối nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp và nhà tiêu thụ, giúp nông dân có thể tìm được các đầu mối tiêu thụ từ sớm.
Theo thông tin từ Trạm khuyến nông quận Bình Thủy, năm nay làng hoa của quận Bình Thủy sẽ cho ra thị trường trên 286.500 chậu hoa kiểng các loại. Dự kiến giá hoa Tết năm nay không tăng so với Tết năm 2023 do tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết trong năm cũng gặp nhiều khó khăn nên việc xuống giống của bà con người dân gặp khó khăn cần che chắn giàn chắc chắn hơn, cực công chăm sóc hơn.