An ninh trật tự

Cảnh giác “bẫy” lừa đảo mua bán nhà, đất

Gia Ân- Huyền Trang 21/10/2023 - 11:13

Hiện nay nhu cầu về nhà ở, mua bán đất đai của người dân ngày càng nhiều. Bên cạnh những cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính còn có các đối tượng lợi dụng chính sách mở cửa, kẽ hở của pháp luật, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước và sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân để thực hiện hành vi lừa đảo liên quan đến đất đai.

Muôn kiểu lừa đảo

Thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An xuất hiện nhiều vụ lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai. Trong đó, đối tượng lừa đảo thường lợi dụng tâm lý muốn kiếm tiền của người dân để giăng ra những cái bẫy về đất đai. Loại tội phạm này thường hoạt động rất tinh vi, khó lường gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, làm mất an ninh trật tự tại địa phương.

lua-1.jpg
Đối tượng Mai Xuân Điểu - Giám đốc công ty bị bắt về hành vi lừa đảo.

Điển hình là vụ Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ đối tượng Lê Thị Thanh Xuân (SN 1970, trú xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chung vốn đầu tư bất động sản.

Xuân đã tìm kiếm những người có nhu cầu bán đất. Sau khi có thông tin người bán đất, sơ đồ thửa đất, đối tượng này đưa ra những thông tin không đúng sự thật như: chuẩn bị có đường quy hoạch chạy qua, mở rộng đường, gần các khu đô thị chuẩn bị thành lập... nhằm lôi kéo những người có điều kiện kinh tế tham gia chung vốn mua đất.

Toàn bộ số tiền các bị hại góp vốn, Xuân đã sử dụng vào mục đích cá nhân. Trước những thủ đoạn trên, ngày 28/3/2023, Lê Thị Thanh Xuân đã bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ.

Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định Lê Thị Thanh Xuân đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo đất đai không chỉ là cá nhân bình thường mà còn là Giám đốc công ty. Một trong những đối tượng như vậy là Mai Xuân Điểu - Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng bất động sản Phoenix (có trụ sở tại thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, Nghệ An).

lua-2.jpg
Lê Thị Thanh Xuân bị bắt để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức chung vốn đầu tư bất động sản.

Năm 2021 và 2022, trong cơn “sốt” đất ở Nghệ An, công ty của Điểu đã môi giới, mua bán đất cho nhiều người có nhu cầu. Sau khi nhận tiền của khách hàng, thay vì sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thỏa thuận, Điểu lại tìm kiếm khách hàng khác để bán qua tay mảnh đất đó. Bằng thủ đoạn trên, Điểu đã chiếm đoạt rất nhiều tiền của nhiều người.

Cụ thể, khoảng tháng 5/2022, qua một số môi giới bất động sản, anh Q.V. (SN 1984, trú huyện Yên Thành, Nghệ An) biết được thông tin về 7 thửa đất tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Mai Xuân Điểu và quyết định làm thủ tục mua số lô đất trên với giá 3,9 tỷ đồng.

Sau khi thanh toán đủ tiền, khách hàng này đợi mãi vẫn không thấy Điểu giao “bìa đỏ” như cam kết. Nghi ngờ đã bị lừa, anh Q.V làm đơn gửi cơ quan Công an tố cáo hành vi lừa đảo của vợ chồng Mai Xuân Điểu.

Tiếp nhận thông tin, vào cuộc điều tra, cơ quan Công an xác định, Điểu đã tổ chức mua đất của nhiều người rồi làm thủ tục phân lô, tách thửa và bán lại. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền chuyển nhượng của khách hàng, Điểu không thực hiện theo cam kết mà tiếp tục bán lại cho người khác để chiếm đoạt tiền các bị hại. Tháng 2/2023, Điểu bị Cơ quan điều tra khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài hành vi lừa bán đất để chiếm đoạt tiền, có đối tượng còn mạo danh là cán bộ, nhà báo để thực hiện hành vi lừa đảo. Đó chính là bị cáo Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1976, trú xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An) vừa bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan, tổ chức”.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng này thuê làm 1 thẻ nhà báo giả và 1 thẻ công chức thanh tra giả mang tên và dán ảnh của mình. Sau khi có thẻ nhà báo giả, Vân Anh cho nhiều người xem và tự giới thiệu mình làm Phó Biên tập cổng thông tin điện tử khu vực miền Trung một tờ báo lớn, có quan hệ rộng với các sở, ban ngành trên địa bàn Nghệ An và Trung ương nên có thể chuyển đổi mục đích đất, từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Khi bị hại tin tưởng, chuyển tiền, Vân Anh thuê người làm 28 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để giao cho các bị hại rồi nhận số tiền còn lại đã thỏa thuận trước đó.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2022, Nguyễn Thị Vân Anh đã chiếm đoạt của 5 bị hại với tổng số tiền hơn 12,5 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Thị Vân Anh bị truy tố và đưa ra xét xử về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan, tổ chức với mức hình phạt chung là 20 năm tù.

Cảnh giác để không sập bẫy lừa đảo

Qua các hành vi lừa đảo bị phát hiện cho thấy, thủ đoạn của tội phạm này rất đa dạng, tinh vi như lừa bán đất ảo, lừa có khả năng làm các thủ tục tách thửa đất hoặc làm “sổ đỏ”. Một số đối tượng còn bán một thửa đất cho nhiều người để chiếm đoạt tiền.

lua-3.jpg
Bị cáo Nguyễn Thị Vân Anh mạo danh nhà báo, “nổ” có khả năng chuyển nhượng mục đích sử dụng đất để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 12 tỷ.

Liên quan đến các tội phạm về đất đai như tình trạng làm giả GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở để lừa đảo tài sản, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Vinh (Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Nghệ An) từng cảnh báo người dân.

Theo đó, người dân cần thận trọng xác định tính pháp lý của dự án bất động sản, thửa đất trước khi thực hiện giao dịch mua bán hoặc đặt cọc; kiểm tra kỹ hợp đồng trước khi ký, tránh tin vào lời quảng cáo, dụ dỗ của các đối tượng mà không kiểm chứng thông tin từ phía các cơ quan chức năng. Đặc biệt khi phát hiện các bất thường trong giao dịch đất đai hoặc nghi ngờ sổ đỏ bị làm giả người dân cần trình báo cơ quan chức năng.

Hiện nay, trước sự bùng nổ về công nghệ làm giả giấy tờ, cùng với sự phát triển của Internet, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác. Không giao dịch đất đai qua các trang mạng xã hội, cần xem xét thật kỹ các loại giấy tờ liên quan đến tài sản trước khi quyết định giao dịch. Tốt nhất khi thực hiện các giao dịch nên đến văn phòng công chứng, văn phòng đăng ký đất đai để kiểm tra về độ chính xác của GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác “bẫy” lừa đảo mua bán nh, đất