Tết Nguyên đán Giáp Thìn 20 đang đến gần, lợi dụng tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập của người lao động, nhiều đối tượng xấu thực hiện các chiêu trò tuyển dụng lao động thời vụ trên mạng để lừa đảo.
Không ít người đã tin vào những lời quảng cáo để rồi không chỉ mất tiền và thời gian mà còn chịu gánh nặng về tâm lý. Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin về công việc và người tuyển dụng lao động.
Gần đây, chị N.T.T (quận Hoàng Mai, Hà Nội), hiện là sinh viên đang theo học một trường đại học tại Hà Nội đã liên tục nhận được các tin nhắn qua tài khoản facebook có nội dung giới thiệu các việc làm kiếm thêm thu nhập dịp Tết Nguyên đán.
Vì muốn có tiền tiêu Tết, chị T. đã trả lời một tin nhắn thì được giới thiệu một công việc làm tại nhà.
Theo đấy thì hàng ngày chị T. được giao nhiệm vụ là trả lời tin nhắn của khách hàng từ 14-22 giờ, với mức thù lao 250 nghìn đồng/ngày.
Tuy nhiên, để tham gia công việc bán thời gian này chị T. phải nộp một triệu đồng tiền cọc để xác nhận mình thật sự muốn làm việc, sau một tháng sẽ được trả lại tiền cọc cùng với tiền lương.
Vì là sinh viên không có tiền nên chị T. đã không nộp tiền, ngay lập tức tài khoản đó đã chặn liên hệ với chị T.
Chị H.T.L (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có đọc được tin tuyển dụng với nội dung mức thu nhập lên đến một triệu đồng/ngày mà không cần bằng cấp, kinh nghiệm gì cả.
Do đang ở nhà chăm sóc con nhỏ, có thể làm việc trực tuyến để kiếm thêm thu nhập là việc chị rất hi vong, chị đã nhận công việc này.
Sau đó, chị L. nhận được đường dẫn (link) đến một trang web, được giới thiệu là của một tập đoàn tài chính hàng đầu Việt Nam.
Công việc của chị L. chỉ là đăng ký tài khoản trên trang web, tham gia những trò chơi nhằm tăng tính tương tác của trang web này.
Theo quảng cáo, thù lao chị L. nhận được sẽ phụ thuộc vào số lượng người tham gia cùng chơi với chị.
Sau khi đăng ký thành công, người hướng dẫn yêu cầu chị L. nộp ba triệu đồng để mở tài khoản. Băn khoăn về việc phải mất tiền trước chị đã không chuyển tiền, ngay lập tức tài khoản của chị cũng bị chặn liên hệ.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tại Việt Nam, số vụ lừa đảo trực tuyến trong sáu tháng đầu năm 2023 tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, trung bình mỗi tháng có hơn một triệu website lừa đảo mới.
Những chiêu trò lừa đảo không hề mới, nhưng với thủ đoạn tinh vi vẫn khiến không ít người sập bẫy.
Không ít người với mong muốn kiếm thêm thu nhập, cho nên đã lên mạng tìm kiếm việc làm thêm trực tuyến, việc nhẹ lương cao, đã tin tưởng chuyển khoản đặt cọc cho bên tuyển dụng. Sau khi nhận tiền cọc, toàn bộ tin nhắn và số điện thoại của bên tuyển dụng hoàn toàn biến mất.
Theo các chuyên gia, đây là chiêu thức quen thuộc của những kẻ lừa đảo trong thời gian gần đây, tuy đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng vẫn không ít người bị mắc lừa.
Bên cạnh đó, việc làm thêm không có hợp đồng lao động, mọi giao dịch đều thông qua mạng xã hội cũng khiến người tìm việc trở thành những nạn nhân đáng thương.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng lừa đảo có thể lôi kéo ứng viên làm những công việc thanh toán các đơn hàng ảo hay biến tướng đa cấp thậm chí là vi phạm pháp luật.
Thực tế các đối tượng lừa đảo rất biết cách đánh vào tâm lý muốn việc nhẹ, lương cao, cần ít hoặc thậm chí không cần kinh nghiệm và nhất là được chủ động về thời gian.
Qua các vụ lừa đảo xảy ra thời gian qua, có thể thấy trong các chiêu trò mà những đối tượng lừa đảo sử dụng không hề mới, trong đó chiêu trò phổ biến nhất là thu một khoản tiền để làm hồ sơ tuyển dụng. Số tiền thường không nhiều, nhưng nếu lừa được nhiều người thì đối tượng lừa đảo sẽ thu về một khoản tiền lớn.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cùng với nguồn cung lao động, cuối năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng sôi động hơn.
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đang rất sôi động ở cả phân khúc toàn thời gian và bán thời gian, tập trung vào một số nhóm ngành nghề như: Thương mại-dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, tài chính-ngân hàng.
Mỗi phiên giao dịch việc làm ở thời điểm này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận vài chục doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, với bình quân 1.500 chỉ tiêu được đưa ra mỗi phiên. Các đơn hàng tuyển dụng đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề với các phân khúc lao động trình độ khác nhau.
Tuy vậy đi liền với sự sôi động của thị trường lao động dịp cuối năm cũng sẽ phát sinh nhiều chiêu trò lừa đảo việc làm, và người lao động có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động này.
Một điều cần lưu ý là trên thực tế không bao giờ có việc nhẹ lương cao. Khi người lao động được mời chào một công việc có tính chất nhẹ nhàng, lương hậu hĩnh thì điều đó chắc chắn có vấn đề. Hiện trên thị trường đang có rất nhiều kênh tuyển dụng tìm người, song điều này cũng tiềm ẩn rủi ro do không được kiểm chứng.
Vì vậy, lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khuyến cáo người lao động cần tìm đến các địa chỉ kết nối tìm việc uy tín, đơn cử là hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm.
Để tránh sập bẫy lừa đảo, người dân cần cẩn trọng khi đi xin việc. Muốn tìm được việc làm thêm dịp cuối năm, người dân nên tìm các công ty lớn hoặc các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín; cần tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp, cá nhân tuyển dụng lao động. Khi nộp bất cứ khoản tiền nào, người tìm việc cần yêu cầu bên thu đưa phiếu thu có đóng dấu và khi giao kết với người sử dụng lao động phải lập thành văn bản, thể hiện rõ số tiền công, thời gian thanh toán...
Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa tội phạm, lực lượng công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Khi tìm việc làm, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi lừa đảo tuyển dụng thời vụ có thể nhận biết thông qua một số dấu hiệu như sau:
Bắt đặt cọc trước khi nhận việc
Theo khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, đối với việc tuyển dụng thời vụ mà yêu cầu người lao động phải đóng tiền đặt cọc trước khi vào làm việc là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo đó, nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động đặt cọc thì có thể bị xử phạt từ 20 triệu đến 25 triệu đồng theo điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về hành vi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi.
(Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Thu tiền người lao động khi tham gia tuyển dụng
Theo khoản 2 Điều 11 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động.
Nếu trong trường hợp người sử dụng lao động thu tiền khi tuyển dụng thì có thể bị xử phạt từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng theo điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp đôi.
(Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Yêu cầu nộp phí mở tài khoản trả lương
Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
(Theo khoản 2 Điều 96 Bộ luật Lao động 2019)
Do đó, nếu người sử dụng lao động yêu cầu người lao động trả phí cho việc mở tài khoản để trả lương là trái quy định của pháp luật.
Từ những dấu hiệu trên thì người lao động cần cẩn trọng và lựa chọn những nơi tuyển dụng rõ ràng, uy tín khi tìm kiếm công việc thời vụ.