Sức Khỏe

Cấp cứu ban đầu đúng cách cho người bị đuối nước

N.T.D 05/06/20 - 10:16

Mới đầu hè, nhưng nhiều bệnh viện đã liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị đuối nước nguy kịch. Điều đáng lo ngại là không ít trường hợp phải chịu di chứng thần kinh nặng nề do không được cấp cứu ban đầu kịp thời và đúng cách.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phan Hữu Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Tổng Thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng. Nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu ô xy.

Thời gian chịu đựng thiếu ô xy của não tối đa chỉ khoảng 4-5 phút. Nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.

Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim, những người xung quanh cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.

Các trường hợp ngừng tim do đuối nước để hồi sức thành công được cần áp dụng phối hợp rất nhiều biện pháp hồi sức tích cực. Cùng với các biện pháp hồi sức thường quy, Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động theo đích, nghĩa là dùng thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể trẻ giảm xuống 33-34 độ C trong một vài ngày để bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng hơn, giúp hồi phục trở lại.

awff.jpg
Hướng dẫn sơ cứu đuối nước.

“Tuy nhiên, chỉ định và hiệu quả của liệu pháp hạ thân nhiệt phụ thuộc vào thời gian trẻ ngừng tim và trẻ có được hồi sức tim phổi kịp thời và đúng cách hay không. Trường hợp trẻ ngừng tim kéo dài nhưng trong suốt khoảng thời gian đó trẻ được hồi sức tim phổi tốt thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn. Ngược lại, nếu trẻ chỉ ngừng tim 5-7 phút thôi nhưng lại không được xử lý cấp cứu ban đầu đúng cách thì kết quả điều trị sẽ không khả quan”, Tiến sĩ, bác sĩ Phan Hữu Phúc nói.

Do vậy, ngoài giải pháp tăng cường công tác truyền thông để phòng tránh đuối nước, phổ cập kỹ năng bơi lội cho trẻ, các địa phương cũng cần đẩy mạnh truyền thông kỹ năng sơ cấp cứu khi phát hiện trẻ bị đuối nước.

Theo khuyến cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ bị đuối nước, người dân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực… Sau khi nạn nhân tỉnh nên đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.

Ngoài ra, phải kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không; nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.

Người sơ cứu cũng không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở. Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi. Sau đó, đưa trẻ bị đuối nước đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi biến chứng sau đuối nước.

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu cho nhiều trường hợp trẻ đuối nước bị ngừng tim kéo dài, không được hồi sức tim phổi ngay do sơ cứu sai cách. Thực tế cho thấy, nhiều người không nắm được các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản mà vẫn sử dụng phương pháp “truyền miệng” bế trẻ đuối nước dốc ngược lên vai rồi chạy. Hành động này làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi, làm mất “thời gian vàng” để cấp cứu trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp cứu ban đầu đúng cách cho người bị đuối nước