Ngày 3/7, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Ninh Bình – địa phương vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Công tác chấm thi phải thông tin nhanh, xử lý kịp thời, hiệu quả ngay”, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương đang chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy chính quyền.
Chủ động, nghiêm túc trong bối cảnh mới
Dù vừa chính thức sáp nhập từ ngày 1/7, tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo thi, Hội đồng thi và các ban chuyên môn để triển khai công tác chấm thi không gián đoạn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Hà Lan Anh – Trưởng Ban Chỉ đạo thi, kỳ thi năm nay có tổng cộng 46.667 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 1.141 là thí sinh tự do.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Tiến Dũng cho biết, toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị chấm thi, phòng cháy chữa cháy, an ninh khu vực làm phách và chấm thi đều được rà soát kỹ lưỡng, đáp ứng đúng quy định. Có 376 cán bộ chấm thi được huy động, thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.
Hội đồng chấm thi Nam Định – nơi Thứ trưởng kiểm tra thực tế – đang triển khai đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, khách quan, không xảy ra sự cố. Dự kiến công tác chấm thi sẽ hoàn tất trước ngày 10/7.
Đề thi mở – Chấm thi cũng phải linh hoạt, công bằng
Năm nay, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn được đổi mới theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngữ liệu ra ngoài sách giáo khoa, đòi hỏi cán bộ chấm thi không chỉ chính xác, công tâm mà còn linh hoạt trong đánh giá tư duy, quan điểm của thí sinh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý: “Hướng dẫn chấm đã được Bộ gửi tới các hội đồng. Tỷ lệ chấm kiểm tra tối thiểu phải đạt 5%. Những bài thi có biểu hiện sáng tạo, suy nghĩ độc lập cần được xem xét công bằng, miễn là đáp ứng chuẩn đầu ra”.
Thứ trưởng khẳng định: “Chấm thi phải đảm bảo đúng năng lực thực tế, không chạy theo tiến độ, không làm qua loa đại khái. Phải bám sát kế hoạch nhưng phát huy tối đa vai trò tổ trưởng từng tổ chấm, giữ sự thận trọng trong từng bước”.
Đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, an toàn tuyệt đối
Tại điểm chấm thi Nam Định, Thứ trưởng đánh giá cao công tác tổ chức của tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là sự chủ động, phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng từ công an, điện lực, y tế, phòng cháy chữa cháy, hậu cần… Hệ thống máy chấm thi được đầu tư mới, hiện đại, đảm bảo độ chính xác cao. Thanh tra chấm thi được duy trì thường trực, thực hiện giám sát chặt chẽ toàn bộ quy trình.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các hội đồng chấm thi duy trì phương châm “4 tại chỗ”: chỉ đạo tại chỗ, nhân lực tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ – nhằm ứng phó linh hoạt, không để gián đoạn bất kỳ khâu nào trong quá trình chấm.
“Nguyên tắc, mục tiêu chung là phản ánh đúng thực lực của thí sinh, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và công bằng toàn quốc”, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT nhấn mạnh. Ông cũng yêu cầu các hội đồng chấm thi phải ghi nhận và khuyến khích sáng tạo của thí sinh, nếu phù hợp với tiêu chí chấm và mục tiêu của chương trình giáo dục.
Dự kiến, công bố điểm thi sẽ được thực hiện đồng loạt trên cả nước vào lúc 8h sáng ngày 16/7. Công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 18/7, để thí sinh kịp đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.