Văn hóa - Du lịch

Chàng trai 9X “ngược dòng thời gian” phục dựng cổ phục Việt

Đ. Việt 11/02/20 - 08:06

“Cổ phục Việt Nam đẹp và tinh hoa đến thế, tại sao lại nhận được ít sự quan tâm của đến vậy?”. Trăn trở đó đã khiến chàng trai 9X Nguyễn Đức Lộc quyết tâm dấn thân, “ngược dòng thời gian” để đi tìm câu trả lời.

Cổ phục Việt là một trong những nét văn hóa độc đáo và vô cùng quý báu của lịch sử dân tộc mà không phải ai cũng biết. Từ niềm đam mê văn hóa lịch sử, Nguyễn Đức Lộc - chàng thanh niên 9X lại ngược dòng thời gian tìm tòi, nghiên cứu trang phục cổ của các triều đại trong lịch sử dân tộc với mong muốn “nơi tương lai được kiến tạo từ quá khứ” quảng bá và phát huy cổ phục Việt trong đời sống hiện đại.

Nơi tương lai được kiến tạo từ quá khứ

PV: Hầu hết giới trẻ hiện nay đều quan tâm đến công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Vậy tại sao anh lại lựa chọn “lối đi” rất riêng này?

Nguyễn Đức Lộc: Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nên tình yêu với Hà Nội, với những giá trị ngàn năm văn hiến của Thủ đô nói riêng và giá trị văn hóa lịch sử của đất nước đã có sẵn trong tôi. Cùng với đó là niềm yêu thích, đam mê tìm hiểu văn hóa, lịch sử từ nhỏ.

Đặc biệt, do gia đình nhà ngoại có truyền thống nghề thêu thùa, may vá nên lớn hơn chút, được tiếp xúc với thiết kế, may vá nên tôi cũng rất thích thú, đam mê.

Sau này, tôi có tham gia các hội, nhóm liên quan về tìm hiểu lịch sử, văn hóa xã hội và rồi những cuộc gặp gỡ, những chuyến đi trải nghiệm đã giúp tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều với những bộ trang phục cổ.

anh-2-1-.jpg
Nguyễn Đức Lộc được biết đến là ông chủ trẻ và là người sáng lập Ỷ Vân Hiên, một thương hiệu chuyên về cổ phục Việt với nhiều dấu ấn.

Lần đầu tiên khi tiếp xúc với cổ phục Việt, tôi luôn đau đáu câu hỏi rằng “Cổ phục Việt Nam đẹp đến thế, tinh hoa đến thế, hoàn toàn có tính ứng dụng rất cao, tại sao ít người biết và quan tâm đến vậy?”.

Xem các bộ phim cổ trang của nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… họ đã hình thành một ngành công nghiệp văn hóa và quảng bá văn hóa rất hiệu quả qua phục trang, qua các thước phim.

Vậy tại sao Việt Nam chúng ta chưa làm được điều đó? Trong khi dư địa để khai thác lĩnh vực này còn rất màu mỡ, thị trường khá niềm tăng nên tôi đã quyết tâm dấn thân với mong mỏi có thể phục dựng trang phục cổ, lan tỏa văn hóa Việt. Có thể nói đây là con đường tổng hòa các niềm đam mê, yêu thích của tôi.

PV: Quá trình khởi nghiệp chắc hẳn anh đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với lĩnh vực khá mới và khó như phục dựng, bảo tồn cổ phục?

Nguyễn Đức Lộc: Thời kỳ đầu thực sự rất nhiều khó khăn “bủa vây” tôi và đội ngũ Ỷ Vân Hiên. Khó khăn lớn nhất là đó nguồn tư liệu nghiên cứu. Do trải qua một thời gian dài với những biến động lịch sử khiến văn hóa một số giai đoạn có lúc bị “đứt gãy” nên tư liệu về trang phục của các triều đại xưa đã không còn nhiều.

Các tư liệu tôi tìm được rất ít, rời rạc, chủ yếu qua truyền miệng. Chính vì vậy, ngoài nghiên cứu tư liệu lịch sử, tôi phải đi thực tế nhiều nơi như đến những di tích, về các đình chùa, làng nghề để tìm hiểu kỹ thuật làm vải, thêu thùa.

Cùng với đó, tôi đã tìm đến những nhà sử học, những chuyên gia, nghệ nhân trong lĩnh vực này để học hỏi. Trên nguồn tư liệu ít ỏi đó, tôi phải tự chắt lọc, tổng hợp. Đây là lĩnh vực khó, nếu không có tình yêu và tinh thần cầu thị, “tự biến mình thành chuyên gia” thì rất dễ nản chí bỏ cuộc.

anh-4-1-.jpg
Một trong những trang phục cổ qua các triều đại được phục dựng đưa vào điện ảnh

Khó khăn thứ hai đó là việc thay đổi tư duy nhận thức của thị trường. Nếu như ở các nước tiên tiến, văn hóa “sống hàng ngày”, người dân rất tự tin diện các bộ trang phục truyền thống tại các sự kiện hay đời thường thì tại Việt Nam, điều này còn khá lạ lẫm. Mặt khác, thói quen tiêu dùng của người Việt thường hướng đến những món đồ “ngon, bổ, rẻ”, có tính ứng dụng cao nên khi nói đến việc mặc cổ phục, chúng ta thường nhận được những ánh mắt ái ngại. Đây là những khó khăn cho tôi và cộng sự trong công cuộc nâng tầm nhận thức, định hình thẩm mỹ quan cho người dùng với cổ phục.

Ngoài ra còn rất nhiều khó khăn khác như thiếu vốn, thiếu nhân sự, máy móc, thiếu kiến thức quản trị kinh doanh... Tuy nhiên, với tình yêu mãnh liệt với văn hóa lịch sử truyền thống của bản thân cùng với sự giúp đỡ, tư vấn của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân và sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, trải qua muôn vàn khó khăn, đặc biệt là giai đoạn Covid-19, Ỷ Vân Hiên (một thương hiệu chuyên về cổ phục Việt – PV) vẫn bám trụ và lưu lại được dấu ấn trên thị trường.

PV: Theo anh, sự khác biệt giữa Ỷ Vân Hiên với các thương hiệu cổ phục khác là gì?

Nguyễn Đức Lộc: Ỷ Vân Hiên là một thương hiệu thuộc Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên do tôi cùng các cộng sự sáng lập vào năm 2018. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, các giá trị về văn hóa truyền thống dần được quan tâm nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều ngành nghề lĩnh vực văn hóa vẫn chưa được bảo tồn và phát huy một cách xứng tầm và nhận thấy tiềm năng to lớn phát triển kinh tế dựa vào văn hóa trong tương lai.

Chính vì vậy mặc dù kinh nghiệm và nguồn lực còn hạn chế, nhưng với kiến thức và lòng nhiệt thành cùng với sự sáng tạo của sức trẻ Ỷ Vân Hiên đã ra đời vớislogan “Nơi tương lai được kiến tạo từ quá khứ”, xây dựng tương lai từ những di sản của quá khứ. Lấy tinh hoa của quá khứ để xây dựng tương lai.

anh-3.jpg
Theo Nguyễn Đức Lộc, để phục dựng đúng những cổ phục đòi hỏi phải có vốn hiểu biết về văn hóa, lịch sử rất rộng và sâu sắc

Tôi và các cộng sự của Ỷ Vân Hiên luôn phát huy tinh thần hoài cổ nhưng không lệ cổ, hãy để quá khứ là bệ đỡ của tương lai, là nền tảng để chúng ta sáng tạo, thăng hoa chứ đừng đi theo lối mòn rập khuôn, sáo rỗng. Có như vậy, văn hóa mới sống cùng chúng ta hàng ngày, nếu không sẽ chỉ là nếu không sẽ chỉ là văn hóa trong tủ kính.

Là doanh nghiệp tiên phong trong kinh doanh sản phẩm văn hóa phái sinh nên cũng có những thời điểm tôi tự hỏi nên đặt lợi nhuận hay văn hóa lên trước?

Tôi quyết định đặt các giá trị văn hóa lên trước tiên. Song, tôi làm doanh nghiệp nên không thể bỏ qua hay coi nhẹ vấn đề kinh doanh, lợi nhuận. Theo tôi, văn hóa cần có kinh tế để tồn tại bền lâu, ngược lại, kinh tế cũng cần văn hóa để thăng hoa.

Tham vọng quảng bá văn hóa truyền thống ra quốc tế

PV: Sau 5 năm hoạt động, thành quả nào của Ỷ Vân Hiên đạt được khiến anh cảm thấy đáng tự hào và khích lệ nhất?

Nguyễn Đức Lộc: Có thể nói, sau 5 năm đi vào hoạt động, Ỷ Vân Hiên đã tạo dựng được tên tuổi và lan tỏa được những giá trị văn hóa nhất định. Một trong những dự án tôi thấy đáng nhớ và tự hào nhất là đó là việc Ỷ Vân Hiên tham gia dự án phim Phượng Khấu vào năm 2019-2020.

Trong dự án hợp tác này, Ỷ Vân Hiên đảm nhiệm phần lễ phục và xiêm y thường ngày của Vua, Hoàng Thái Hậu, Hoàng hậu hay các cung phi, giai tần... Mỗi bộ trang phục (gồm cả mũ mão) được phỏng dựng có độ phức tạp khác nhau tùy đối tượng nhưng trung bình đều đòi hỏi từ 3 - 4 tháng để hoàn thiện, từ khâu nghiên cứu, phác thảo, tìm nguồn nguyên liệu cho đến kỹ thuật cắt may, in ấn hoa văn, đính kết, thêu thùa...

Với sự tâm huyết, chỉn chu đó, tôi đã được Tạp chí Thời trang Harper Bazar trao giải Thiết kế trang phục trong phim xuất sắc năm 2019.

Ngoài ra, Ỷ Vân Hiên còn tham gia hợp tác trong một số phim như “Người vợ cuối cùng”, “Hồng hà nữ sĩ”, cùng với đó là các MV ca nhạc, sân khấu, truyền hình, sự kiện… và nhận được những phản hồi tích cực từ công chúng.

PV: Vậy yếu tố nào mang tính quyết định thành công của việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoa truyền thống và đưa cổ phục vào điện ảnh và sân khấu hiện nay?

Nguyễn Đức Lộc: Với mong muốn bảo tồn, tôn vinh những giá trị tinh hoa của cha ông và ứng dụng những trang phục chuẩn cổ phù hợp với từng bộ phim, từng vở kịch, Ỷ Vân Hiên đã nghiên cứu phục dựng những trang phục cổ qua các triều đại và đưa các trang phục này ứng dụng hiệu quả qua các bộ phim điện ảnh và vở kịch.

Để phục dựng đúng những cổ phục đòi hỏi phải có vốn hiểu biết về văn hóa, lịch sử rất rộng và sâu sắc, hiện nay những người làm thiết kế trang phục cho điện ảnh lại chủ yếu là dân mỹ thuật, kiến trúc vì thế dẫn tới tình trạng không phù hợp trang phục trong các bộ phim cổ vẫn thường diễn ra.

Chính vì vậy, Ỷ Vân Hiên ngay từ khi thành lập đã quyết tâm khôi phục nguyên bản các trang phục truyền thống trong cung đình và dân gian của người Việt, qua đó nhằm đóng góp công sức của mình vào sứ mệnh phục hưng văn hóa truyền thống.

PV: Thời gian tới, tham vọng mang cổ phục Việt Nam ra quốc tế để quảng bá văn hóa truyền thống có phải mục tiêu mà anh hướng đến?

Nguyễn Đức Lộc: Mục tiêu xuyên suốt của tôi đó là tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về cổ phục Việt Nam. Đây là kho tàng tri thức vô cùng rộng lớn, càng nghiên cứu tôi lại càng thấy đam mê. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng làm giàu thêm kho tàng kiến thức của mình để sau này có thể lan tỏa hơn cho nhiều người.

anh-1.jpg
Nguyễn Đức Lộc trao đổi với PV

Hiện nay, khi Ỷ Vân Hiên đã tạo được những dấu ấn nhất định đối với thị trường trong nước thì mục tiêu tiếp theo tôi sẽ lấn sân ra thị trường quốc tế.

Có rất nhiều cách thức để hiện thực hóa mục tiêu này như: tham dự các triển lãm, hội chợ quốc tế; quảng bá thông qua các Đại sứ quán; mời những người nước ngoài có tầm ảnh hưởng tham gia sự kiện quảng bá tại Việt Nam…

Tôi tin rằng với tinh thần làm việc nghiêm túc, cầu thị, tôi sẽ làm tốt việc “kiến tạo tương lai từ quá khứ” cũng như lan tỏa những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống rất đáng tự hào của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua những bộ cổ phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chng trai 9X “ngược dng thời gian” phục dựng cổ phục Việt