Trong cuộc trao đổi với PV Báo Cng lý về vấn đề xét xử trực tuyến v tầm quan trọng của việc áp dụng Cng nghệ thng tin (CNTT) vo hoạt động của To án, đồng chí Đỗ Văn Đại, Chánh án TAND TP Bắc Ninh cho rằng, việc tổ chức các phiên ta xét xử trực tuyến l xu hướng tất yếu trong thời đại cng nghệ 4.0, nằm trong lộ trình xây dựng To án điện tử v hội nhập quốc tế của TANDTC
PV: Thưa Chánh án, được biết trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết phức tạp không chỉ riêng ở nước ta mà nó còn diễn ra trên toàn thế giới. Do đó, việc xét xử trực tuyến trong thời gian tới không chỉ là xu thế chung của thế giới, đó còn là việc nâng cao chất lượng xét xử, áp dụng công nghệ vào các quy trình xét xử. Đặt trong bối cảnh ở Việt Nam, Chánh án có nhận định thế nào về mô hình này thưa ông?
Chánh án Đỗ Văn Đại: Tình hình Đại dịch Covid-19 trên thế giới và ở nước ta hiện nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Bộ Y tế và của các địa phương góp phần tích cực vào việc phòng, chống dịch bệnh; đồng thời duy trì các hoạt động bình thường của Tòa án các cấp.
Nhằm tránh tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh trong phòng xét xử, hệ thống Tòa án đã phải hạn chế hoặc tạm dừng mở phiên tòa - phiên họp, tiếp công dân và một số hoạt động khác…Đây là việc làm cấp bách và cần thiết được toàn thể cán bộ công chức và người lao động Tòa án các cấp nghiêm túc thực hiện trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, về lâu dài khi chưa có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh một cách triệt để, mà việc tạm dừng xét xử, hạn chế một số hoạt động tố tụng, kéo dài thời gian giải quyết các loại án trong thời gian sắp tới sẽ dễ gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với hệ thống pháp luật và ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân. Như vậy nhu cầu xây dựng mô hình xét xử trực tuyến hiện nay đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Hơn nữa, việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0, và cũng nằm trong lộ trình xây dựng Toà án điện tử, và hội nhập quốc tế của Tòa án nhân dân tối cao. Việc thực hiện xét xử trực tuyến vẫn bảo đảm nguyên tắc trực tiếp, công khai, liên tục, bằng lời nói, có sự chứng kiến của các bên và bảo đảm nguyên tắc tố tụng. Nếu làm được thì đáp ứng thực tiễn hiện nay, nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp khó lường ở Việt Nam.
PV: Vậy theo Chánh án những vụ án như thế nào thì sẽ được xét xử trực tuyến thưa ông? và việc xét xử trực tuyến có nên áp dụng thí điểm trước khi triển khai chính thức không?
Chánh án Đỗ Văn Đại: Theo tôi về phạm vi mở phiên tòa trực tuyến: Đối với vụ án hình sự, chỉ xét xử sơ thẩm các bị cáo phạm các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng nhưng chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam hoặc đang thi hành án hình sự tại cơ sở giam giữ. Còn đối với các vụ án dân sự, hành chính thì sẽ xét xử những vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu chứng cứ đầy đủ. Các đương sự có địa chỉ nơi cư trú và trụ sở rõ ràng.
Còn điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến: Theo tôi với vụ án hình sự: thì bắt buộc phải có đơn của bị cáo, cơ sở giam giữ phải có văn bản đề nghị tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đồng thời Viện kiểm sát phải có văn bản đồng ý xét xử trực tuyến.
Tổ chức các phiên tòa trực tuyến đối với vụ án dân sự, hành chính chỉ thực hiện khi có đơn của đương sự đề nghị mở phiên tòa trực tuyến và Viện kiểm sát có văn bản đồng ý mở phiên tòa trực tuyến.
Việc xét xử trực tuyến có nên áp dụng thí điểm trước khi triển khai chính thức không? Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là điều mới mẻ, do vậy cần có những bước đi, lộ trình thích hợp, trước mắt theo tôi nên áp dụng thí điểm ở một số Tòa án cấp tỉnh và một số Tòa án nhân dân cấp huyện để từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm, sau khi đã ổn định, giải quyết các vấn đề về kỹ thuật và con người, sau đó sẽ triển khai chính thức trên toàn quốc.
PV: Theo Chánh án việc xét xử trực tuyến sẽ có những ưu điểm gì thưa ông?
Chánh án Đỗ Văn Đại: Theo tôi việc xét xử trực tuyến sẽ có rất nhiều ưu điểm với thời điểm hiện nay cũng như xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0.
Thứ nhất: Tránh tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh COVID 19 trong phòng xử án.
Thứ hai: Giải quyết vụ án đảm bảo kịp thời, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật đồng thời bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Thứ ba: Tiết kiệm thời gian và ngân sách cho Nhà nước và chi phí đi lại cho người dân.
Thứ tư: Đông đảo người dân quan tâm đến vụ án có thể theo dõi quá trình xét xử mà không bị giới hạn số lượng như phòng xử án thông thường, nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân, đặc biệt là những đương sự ở các khu vực xa trung tâm hay khu vực nông thôn.
PV: Bên cạnh đó, nói đến trực tuyến, ứng dụng công nghệ tại Việt Nam, đặc biệt trong quá trình xét xử trực tuyến, việc đảm bảo kết nối liên thông, đảm bảo tín hiệu đường truyền là một yếu tố quan trọng. Vậy để xét xử trực tuyến một cách tốt nhất, theo Chánh án, Tòa án cần có sự chuẩn bị như thế nào?
Chánh án Đỗ Văn Đại: Xét xử trực tuyến hiện nay chưa được quy định trong Bộ luật tố tụng, do vậy trước mắt Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn về trình tự, thủ tục tiến hành xét xử trực tuyến như:
Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác xét xử trực tuyến; tổ chức tập huấn kỹ năng vận hành các trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến cho cán bộ công chức và cán bộ văn phòng phụ trách công nghệ thông tin; tập huấn nghiệp vụ xét xử trực tuyến cho đội ngũ thẩm phán các cấp; tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về hình thức xét xử trực tuyến của Tòa án để các cơ quan, tổ chức và nhân dân được biết và đồng tỉnh ủng hộ.
PV: Xin cảm ơn Chánh án!