Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, sáng 19/5, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết việc thành lập Tòa án nhân dân chuyên biệt thuộc Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) "là vấn đề lớn, rất mới".
"TANDTC sẽ quy định trong dự luật theo hướng về nguyên tắc, tổ chức TAND có TAND chuyên biệt và giao UBTVQH thành lập, giải thể; quy định phạm vi, thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND chuyên biệt. Sau đó, có nghiên cứu, học tập, tiếp thu của quốc tế "- Chánh án Lê Minh Trí thông tin.
Theo Chánh án Lê Minh Trí, TANDTC sẽ khẩn trương báo cáo tổ chức, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Chánh án cho biết, sẽ có kế hoạch cụ thể về đào tạo Thẩm phán có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp quốc tế.
Về thành lập Tòa Lao động thuộc Tòa án nhân dân khu vực, Chánh án Lê Minh Trí cho biết, theo đề án, tất cả các loại án sẽ chuyển về Tòa khu vực xét xử theo thẩm quyền. “Trừ án hình sự với mức án trên 20 năm, chung thân, tử hình giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Với án lao động, sẽ giao cho Tòa Kinh tế thuộc Tòa án khu vực thụ lý, giải quyết".
Về mô hình của Tòa án liên quan tới Tòa án khu vực, thẩm quyền xét xử toàn bộ các vụ án, vụ việc, bao gồm cả hình sự theo thủ tục sơ thẩm.
Theo Chánh án Lê Minh Trí, trước khi xây dựng dự thảo dự án luật, Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Đề án báo cáo với Bộ Chính trị, lấy ý kiến địa phương, các bộ, ngành, rồi báo cáo với Bộ Chính trị hai lần để thông qua được việc này, kể cả khi qua Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thông qua.
“Nếu được sơ thẩm hết cho một cấp, phúc thẩm một cấp thì giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục thẩm quyền đặc biệt của Toà án nhân dân tối cao, làm được thế thì quá tốt. Nhưng bởi vì quá độ hiện nay là phải vừa đồng bộ với các cơ quan tố tụng khác, thứ hai là còn phù hợp với năng lực của cán bộ”- Chánh án Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Theo Chánh án Lê Minh Trí, hiện nay trong thực hiện nhiệm vụ, một số Tòa khu vực ở vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn vẫn khó đáp ứng việc xét xử loại mức án trên 20 năm, chung thân và tử hình. Vì vậy, theo Chánh án phải có lộ trình quá độ này.
Chánh án Lê Minh Trí nhấn mạnh, hiện nay còn quá độ để hài hòa với các cơ quan tố tụng khác và phù hợp năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, thẩm phán. Nên dù giao hết về cho khu vực nhưng vẫn còn có tỷ lệ án trên 20 năm, chung thân, tử hình nằm ở cấp tỉnh.
Cũng tại phiên thảo luận Chánh án Lê Minh Trí đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về đào tạo đội ngũ Thẩm phán chuyên về sở hữu trí tuệ, phá sản; việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho Tòa án các cấp.
Chánh án Lê Minh Trí nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội là định hướng lâu dài cho việc hoàn thiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), giúp Toà án các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.