Sáng 7/8, tại phường Núi Sam (TP. Châu Đốc), Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức Lễ đặt tên đường Phạm Văn Bạch và Phùng Văn Cung. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC dự buổi lễ.
Cùng dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC; Trần Văn Châu, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM cùng đại diện các cục, vụ thuộc TANDTC; đại diện TAND 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Về phía tỉnh An Giang có các đồng chí: Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh An Giang và thân nhân gia đình Tiến sĩ Phạm Văn Bạch và Bác sĩ Phùng Văn Cung.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, việc đặt tên hai bậc tiền nhân là Tiến sĩ Phạm Văn Bạch và Bác sĩ Phùng Văn Cung cho các tuyến đường trên địa bàn thành phố có ý nghĩa rất lớn, thể hiện rõ sự quan tâm của tỉnh, thành phố trong công tác đặt, đổi tên đường nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong tiến trình dựng nước, giữ nước.
Đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử, lý tưởng cống hiến hết mình cho cách mạng để các thế hệ sau noi gương. Trong thời gian tới tiếp tục đặt tên cho nhiều tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh An Giang.
Tại buổi lễ, đại diện gia đình Tiến sĩ Phạm Văn Bạch đã bày tỏ lòng cảm ơn đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã quyết định đặt tên Phạm Văn Bạch cho một đường phố tại vùng đất Châu Đốc.
Theo đó, đường Núi Sam đổi tên thành đường Phạm Văn Bạch; Đường số 1 và số 7, Khu dân cư khóm Mỹ Thành, phường Vĩnh Mỹ đổi thành đường Phùng Văn Cung.
Hai tuyến đường này là trục đường chính, xuyên tâm, là công trình trọng điểm của TP. Châu Đốc cũng là tuyến đường quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Tiến sĩ Phạm Văn Bạch (sinh ngày 18/6/1910, tại ấp Long Đức, xã Trà Nhiêu Thượng, tỉnh Trà Vinh).
Năm 1946, được sự giác ngộ, giáo dục lý tưởng cách mạng của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (lúc đó là Xứ ủy viên Nam bộ), Tiến sĩ Phạm Văn Bạch vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Tháng 9/1954, sau khi tập kết ra miền Bắc, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch được cử giữ chức vụ Phó ban Miền Nam của Trung ương Đảng; từ tháng 1/1955 đến tháng 6/1957 là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, kiêm Phó ban Quan hệ Bắc Nam của Chính phủ.
Từ tháng 6/1957 đến tháng 9/1959, là Thứ trưởng Phủ Thủ tướng, kiêm Ủy viên Ủy ban kiện toàn tổ chức Trung ương của Chính phủ. Tháng 9/1959, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định làm Chánh án TANDTC và giữ chức vụ này từ năm 1959 cho đến năm 1981.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc, năm 1955, Tiến sĩ Phạm Văn Bạch đã được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hạng Ba; năm 1961 được tặng thưởng “Huân chương Kháng chiến chống Pháp” hạng Nhất; năm 1983 được tặng thưởng “Huân chương Độc lập” hạng Nhất và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Tiến sĩ Phạm Văn Bạch nghỉ hưu năm 1982, từ trần năm 1987 tại TP Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Phùng Văn Cung (sinh ngày /5/1909, tại thôn Tân Bình, làng Tân An, tổng Bình Long, quận Long Châu (huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long, nay là khóm 1, phường 9, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).
Năm 1957, chính quyền Sài Gòn mời ông làm Giám đốc Bệnh viện tỉnh Châu Đốc. Cuối năm 1958, ông lên Sài Gòn làm Giám đốc Bệnh viện Phúc Kiến (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi). Trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng, bác sĩ Phùng Văn Cung được Đảng, nhà nước giao cho đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng.