Đời sống

Chìa khóa quyết định sự thành công của dự án đường Vành đai 4- Bài 1: Những cơ chế đặc biệt và quyết sách chưa có tiền lệ

Hoàng Hải-Đỗ Việt 20/05/2023 07:20

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô không chỉ được Quốc hội cho phép áp dụng những cơ chế, chính sách đặc biệt, các địa phương có dự án đi qua cũng có những quyết sách chưa có tiền lệ nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.

Với khối lượng công việc lớn và có nhiều đặc thù, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là vô cùng quan trọng, có thể xem là “chìa khóa” quyết định sự thành công của dự án.

Xác định rõ tầm quan trọng ấy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao; sự chủ động, linh hoạt, đặc biệt là công tác dân vận, tuyên truyền đã tạo đồng thuận trong nhân dân, hạn chế thấp nhất đơn thư và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, giúp bảo đảm tiến độ dự án và sớm đi vào khai thác theo đúng mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách

Tháng 6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài 112,8km đi qua TP. Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

4-phoicanh-16769060323921763982.png
Phối cảnh nút giao dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đồng thời, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo tiến độ Chính phủ đề ra, công tác tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 31/1/2023 và thực hiện các công việc tiếp theo, bảo đảm khởi công trước 30/6/2023.

Chính phủ cũng yêu cầu tổ chức thực hiện đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng theo quy định, phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

z3763149709032_2f7576b0b48e6926a6047c8f7385.jpg
Các địa phương: Hà Nội - Bắc Ninh - Hưng Yên ký cam kết tiến độ.

Qua tính toán cho thấy, diện tích đất cần giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án là rất lớn, lên tới 1.341ha. Trong đó, TP. Hà Nội cần thu hồi khoảng 741ha tại địa bàn 7 quận, huyện; tỉnh Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 326ha tại địa bàn của 4 huyện, thành phố; tỉnh Hưng Yên cần thu hồi khoảng 274ha tại địa bàn của 4 huyện.

Với khối lượng công việc lớn, liên quan trực tiếp tới hàng nghìn hộ dân, đặc biệt là yếu tố tâm linh và yếu tố lịch sử đất đai phức tạp, việc giải phóng và bàn giao diện tích như lộ trình đặt ra được đánh giá là khó, nếu không làm tốt sẽ phát sinh những tình huống phức tạp, ảnh hưởng tới tiến độ chung của Dự án.

Để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hành động và nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, đảm bảo hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng đã đề ra, công tác dân vận, tuyên truyền phải đi trước một bước. Xác định rõ việc này, ngay từ đầu, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi chủ trương thực hiện Dự án trong các ngành, các cấp và nhân dân.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở (nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua), mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung: Nghị quyết của Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, tầm quan trọng đặc biệt, ý nghĩa của dự án; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cấp bách của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, đơn vị trong thời gian tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cho biết: Tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thì công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là vô cùng quan trọng, có thể nói đây chính là “chìa khóa” quyết định sự thành công của dự án.

Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai dự án yêu cầu cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhất là quán triệt sâu sắc sự cần thiết, cấp bách của việc sớm giải phóng mặt bằng đầu tư dự án, làm cơ sở để các địa phương công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có đất bị ảnh hưởng biết, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Để dự án bảo đảm tiến độ và đưa vào khai thác từ năm 2027, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt về nguồn vốn đầu tư cũng như quá trình tổ chức thực hiện, kể cả việc chỉ định thầu đối với một số gói thầu.

Cụ thể, Quốc hội cho phép sử dụng phần vốn nhà nước tham gia tối đa là 66% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 14.250 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải giao về các địa phương để thực hiện Dự án, trong đó TP. Hà Nội là 8.400 tỷ đồng; tỉnh Hưng Yên là 3.740 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 2.110 tỷ đồng.

Trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết này được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

b78a0422.jpg.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội kiểm tra tiến độ dự án.

Cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại điểm này được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

image_gallery.png
Quy hoạch Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Trên cơ Nghị quyết của Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, mà nói như Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, chưa có dự án nào Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành riêng một chỉ thị, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt như dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Quá trình triển khai dự án, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án: Ba tỉnh, thành phố đều đã thể hiện rõ quyết tâm. Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, cả ba địa phương đã bắt tay vào thực hiện, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong quá trình triển khai vừa qua, xuất hiện nhiều cách làm hay, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì việc chung và nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận và nhân dân.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chìa kha quyết định sự thnh cng của dự án đường Vnh đai 4- Bi 1: Những cơ chế đặc biệt v quyết sách chưa c tiền lệ