Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 30/10, thảo luận tại hội trường việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia, các thành viên Chính phủ đã đăng đàn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.
Giảm nghèo đa chiều
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Khác với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này công việc đòi hỏi phải cao hơn, khó hơn vì không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn và toàn diện hơn".
Thời gian vừa qua, việc triển khai Chương trình gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó nguyên nhân khách quan tác động từ dịch bệnh Covid-19, tình hình thiên tai, lũ bão, sạt lở ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai Chương trình.
“Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không ai sinh ra và lớn lên lại muốn mình nghèo và không ai không muốn thoát nghèo, hiện nay, không còn chính sách cho không mà đã chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện. Thời gian qua có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền lợi hỗ trợ cho người khác và mong muốn chủ động phấn đấu thoát nghèo, đây là điều cần được biểu dương. Đối với các hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đưa ra các tiêu chí để những người này có cuộc sống tốt hơn hoặc không thấp hơn hộ nghèo”, Bộ trưởng khẳng định.
Về hỗ trợ nhà ở, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo tinh thần Quyết định 90 và Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu trong nhiệm kỳ này xóa được khoảng 100.000 căn hộ dột nát, khó khăn của hộ nghèo ở 74 huyện nghèo.
Đào tạo cán bộ, phân quyền, phân cấp cho tuyến huyện, tuyến xã
Trước phản ánh của Đại biểu Quốc hội về hệ thống văn bản hướng dẫn cồng kềnh, không thống nhất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, điều này xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu cùng với sự phối hợp trên dưới, ngang dọc chưa chặt chẽ, khi thiết kế chương trình phức tạp nhưng nguồn lực hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất về xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện “là một giải pháp khả thi”. Đồng thời nhấn mạnh trong bối cảnh này, bên cạnh mục tiêu giải ngân cũng phải đảm bảo được tất cả những chỉ tiêu, những mục tiêu đưa ra để có được nông thôn mới phát triển bền vững.
“Cấu trúc bộ máy của 3 chương trình và năng lực tiếp nhận của cán bộ địa phương, nhất là cán bộ cấp xã thay đổi liên tục cũng là một phần hạn chế. Do đó, thời gian tới sẽ chú trọng hơn đến đào tạo cán bộ. Những vấn đề trong thiết kế chính sách trong thời gian tới sẽ xem xét để tạo được năng lực cụ thể cho địa phương, bởi nguồn lực nhà nước không thể hỗ trợ được hết mà cần phát huy được năng lực của cộng đồng”, Bộ trưởng Hoan đề xuất.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước mắt trong Nghị quyết về giám sát, Quốc hội nên cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau; trong đó mỗi tỉnh chọn một hai huyện làm thí điểm.
Thiết kế mô hình thống nhất từ Trung ương đến địa phương
Về mô hình chỉ đạo của Ban chỉ đạo các cấp, nhiều đại biểu quốc hội phản ánh, hiện nay chưa thống nhất mô hình ở cấp địa phương… Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: “Đây là vấn đề thực tiễn đang đặt ra, mỗi địa phương có tổ chức mô hình khác nhau, tùy theo mục tiêu, đặc điểm của từng địa phương”.
Do áp lực không làm phát sinh thêm cơ quan, bộ máy, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, các địa phương thường sử dụng Sở Kế hoạch Đầu tư làm cơ quan chủ trì cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như 3 đơn vị như phân công ở Trung ương. Riêng Chương trình nông thôn mới thì có thêm Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới đã được thành lập từ giai đoạn trước, tiếp tục hoạt động trong giai đoạn này. Đó là những mô hình bước đầu, chưa đảm bảo tính thống nhất nhưng bước đầu đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình ở các địa phương.
“Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ ngành, tham mưu với Chính phủ nghiên cứu, thiết kế mô hình thống nhất từ trung ương đến địa phương đảm bảo hiệu quả hơn”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nói.