Chính phủ ban hnh Nghị định 55/20/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nng nghiệp nng thn, trong đ c chính sách cho vay khuyến khích phát triển nng nghiệp cng nghệ cao.
Cho vay nông nghiệp công nghệ cao đạt 32.339 tỷ đồng
Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức ngày 4/7 tại Hà Nội, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, NHNN cho biết dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 05/2017 đạt 1.148.070 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016 (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế 7,06%), chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Bình quân trong 7 năm (2010 – 2016) tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là 19,35%/năm.
Tổng dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt gần 32.339 tỷ đồng
Về triển khai chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, theo ghi nhận ban đầu, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này đến nay đạt gần 32.339 tỷ đồng với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 doanh nghiệp), trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng, không phát sinh nợ xấu.
Theo ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam: “Việc Chính phủ hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao và kèm theo đó là gói tín dụng 100.000 tỷ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi đúng đắn và kịp thời”. Ông khẳng định, việc Chính phủ cam kết có một gói tín dụng hỗ trợ và việc 8 ngân hàng thương mại đồng tình ủng hộ chủ trương của Chính phủ, dành số tiền hơn 100 ngàn tỷ đồng để cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0.5%/năm đến 1.5%/năm so với các chương trình cho vay khác đã mang đến nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cũng như người dân làm nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, bền vững.
Một số ngân hàng có kết quả cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nổi bật như Ngân hàng TMCP Bắc Á; Ngân hàng TMCP Ngoại thương, đặc biệt Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với thị trường
Không thể phủ nhận chính sách tín dụng đã thúc đẩy cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao phát triển, Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lê Thành - Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Kết nối xanh, nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức sản xuất chứ không phải mô hình kinh tế, nó phải gắn liền với chuỗi giá trị mới gọi là nông nghiệp công nghệ cao. Vậy nên, nông nghiệp công nghệ cao đầu tư tới 3.000 – 4.000 tỷ mà không có thị trường sẽ trở thành gánh nặng cho các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Đầu ra của sản phẩm nông nghiệp cao cũng là nỗi băn khoăn của nhiều chuyên gia và nhà đầu tư bởi đây là hướng phát triển nông nghiệp mới, chưa có tiền lệ nên tiềm ẩn rủi ro khi triển khai dự án; thiếu thị trường tiêu thụ ổn định. Nông nghiệp công nghệ cao thường gắn liền với giá thành sản xuất cao, nhất là trong giai đoạn đầu cộng với tâm lý của người tiêu dùng chưa đủ niềm tin thế nào là sản phẩm sạch.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với thị trường
Theo ông Trần Văn Tần, vốn đầu tư cho dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là rất lớn và giá thành trên một đơn vị sản phẩm khá cao. Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên thị trường nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế.
Trước những thực tế nói trên, một số chuyên gia đã đề xuất Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của bà con nông dân. Các doanh nghiệp cũng cần phát triển theo hướng gắn với hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với thị trường. Theo ông Tuấn, nông nghiệp công nghệ cao muốn đạt hiệu quả vẫn phải có thị trường tiêu thụ và đạt giá thành cao. Để hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng nông sản nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng nhiều chính sách về tín dụng, hạ tầng thương mại, đất đai, thuế, sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thương mại nông thôn…để khuyến khích, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống phân phối tăng cường thu mua, tiêu thụ nông sản nói chung, nông sản chất lượng cao nói riêng trong hệ thống cả ở lưu thông, phân phối, phát triển hạ tầng thương mại…từ đó, hỗ trợ tối đa cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.