Ngày /12, nằm trong chuỗi hoạt động công tác tại tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khởi công Dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi.
Tham dự buổi lễ còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu nổi bật mà tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong chặng đường vừa qua. Đồng thời, nhấn mạnh Quy hoạch tỉnh là bước cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Tỉnh Quảng Ngãi từ là một tỉnh nghèo đã vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, có kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi sớm nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Bộ chính trị, phối hợp triển khai ngay các quy hoạch phân khu, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chi tiết cấp huyện, xác định rõ không gian, địa lí cụ thể.
Lấy phát triển các đô thị, đô thị hóa là tất yếu, là động lực để phát triển; tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển, thu hút đầu tư vào công nghiệp, nhất là thu thu hút các dự án FDI có chất lượng cao,.... Bên cạnh đó, cần tư duy đúng, nâng cao năng lực cạnh tranh khai thác lợi thế về biển, văn hóa, du lịch.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023.
Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế.
Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các KCN và CCN tập trung.
Tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,25 - 8,25%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.700 - 7.900 USD. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 410.000 tỷ đồng.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi có 6 không gian kinh tế động lực; 4 hành lang kinh tế. Đặc biệt, có 2 trung tâm động lực tăng trưởng là: hình thành Trung tâm Lọc, hóa dầu và Năng lượng quốc gia, Trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng động lực miền Trung tại Khu kinh tế Dung Quất; Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành Trung tâm du lịch Biển - Đảo.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vài trò đặc biệt quan trọng, là công cụ để tỉnh Quảng Ngãi hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới.
Đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững; hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trao Quyết định chấp thuận nhà đầu tư thực hiện đối với 3 Dự án Khu đô thị Bàu Giang; Khu đô thị sinh thái Coastal và Dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer-Quảng Ngãi.
Cũng tại buổi lễ, tỉnh Quảng Ngãi đã khởi công Dự án đường Hoàng Sa-Dốc Sỏi. Đây là dự án thuộc nhóm A, là công trình giao thông đường bộ cấp I; có tổng chiều dài tuyến là 26,88Km, với điểm đầu tuyến giao với đường Trì Bình - Dung Quất, thuộc huyện Bình Sơn và điểm cuối tuyến kết nối với đường Hoàng Sa, tại nút giao đầu cầu Đập dâng sông Trà Khúc thuộc địa phận thành phố Quảng Ngãi. Tổng mức đầu tư là 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện năm 2022-2027.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh, đồng thời hình thành trục dọc giao thông quan trọng kết nối nhanh, thuận lợi từ sân bay Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất đến TP. Quảng Ngãi và các địa phương phía Nam; tạo thành hành lang phát triển kinh tế chủ đạo, làm động lực để thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế đối với khu vực phía Đông của các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi.