Chính trị

Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị

Duy Tuấn 31/10/20 - 12:17

Thay vì Quốc hội phải cho ý kiến từng địa phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu đánh giá toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang được thực hiện. Tiến tới sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị, nhằm thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, sáng 31/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Quốc hội phải xem xét từng địa phương thì rất khó

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, cả nước hiện có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại các thành phố này không giống nhau.

m1.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Vì vậy, khi ban hành cũng như tổ chức thực hiện Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng phải nghiên cứu, rút được kinh nghiệm của các địa phương đã thực hiện trước đó.

Lưu ý vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng, các bộ, ngành quan tâm, giúp Hải Phòng tổ chức được chính quyền đô thị một cách thuận lợi, không làm phát sinh những vấn đề như tại một số địa phương vừa qua.

Về lâu dài, Chủ tịch Quốc hội đề nghị “phải khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tổng kết toàn diện mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang được thực hiện tại một số địa phương, tiến tới việc đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước".

"Nếu không làm như vậy, tới đây có địa phương nào lại đề xuất được áp dụng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Quốc hội phải xem xét từng địa phương thì cũng rất khó”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Nhấn mạnh lại yêu cầu cần tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần sớm đánh giá, tổng kết thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù tại 10 địa phương đã được Quốc hội cho phép thực hiện, qua đó xem chính sách nào phù hợp, hiệu quả có thể áp dụng chung thì nghiên cứu luật hóa, tạo ra sự minh bạch, công bằng trong cả nước.

“Quốc hội quyết định vấn đề chung cho cả nước thực hiện, không thể đặc thù cho nơi này mà không đặc thù cho nơi khác. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP. Hải Phòng

Đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Thực tế hiện nay cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì có 3 thành phố đã áp dụng mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội.

m4.jpeg
m3.jpeg
Các đại biểu thảo luận tại tổ sáng ngày 31/10.

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội thống nhất phương án Nghị quyết chỉ tập trung quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan khi không tổ chức HĐND ở quận, ở phường; quyết định cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận, phường.

Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với dự thảo Nghị quyết. Theo đó, mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng là: cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND thành phố; chính quyền địa phương ở các quận, phường tại TP. Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường). Mô hình này cũng tương tự như mô hình đang được thực hiện tại TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần bổ sung quy định chuyển tiếp theo hướng: cán bộ công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành; tiếp tục rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TP. Thủy Nguyên của TP. Hải Phòng.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu quản lý, phát triển TP. Hải Phòng theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá ton diện m hình tổ chức chính quyền đ thị