Quan điểm v nguyên tắc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc th l phải bám sát mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đ, phải xây dựng v phát triển Nghệ An tương xứng với vị trí, vai tr, tầm quan trọng, xứng đáng l quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. V mục tiêu đến năm 2030, xây dựng Nghệ An l tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh v bền vững, mang đậm bản sắc văn ha Việt Nam v xứ Nghệ.
Chiều 29/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đảng đoàn Quốc hội đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, nghe báo cáo về tình hình xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho sự phát triển tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18.7.2023, của Bộ Chính trị khóa XIII về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng dự và chủ trì cuộc làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Tham dự còn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Thường trực các Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương...
Về phía tỉnh Nghệ An có: Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An báo cáo với Đảng đoàn Quốc hội tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, Nghệ An đã thành lập Tổ công tác do Bí thư Tỉnh ủy làm Tổ trưởng, tập trung xây dựng và đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đề án thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; chủ trì tổ chức 2 cuộc họp để các Bộ, ngành nghe và cho ý kiến, cùng với tỉnh Nghệ An tiếp thu, hoàn thiện.
Ngày 22.3.20, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định số 61/BCTĐ-BTP về đề nghị xây dựng Nghị quyết; theo đó, kết luận về cơ bản hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đủ điều kiện trình Chính phủ xem xét sau khi tiếp thu, hoàn thiện đầy đủ ý kiến thẩm định.
Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Nghệ An đã rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết (gồm 17 chính sách thuộc 5 nhóm lĩnh vực) trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết để trình Chính phủ.
Về cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 36/2021/QH của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ, tại Nghị quyết 36/2021/QH có 3 nhóm lĩnh vực với 6 chính sách. Sau 2 năm thực hiện, các cơ chế chính sách đặc thù bước đầu đã góp phần giúp tỉnh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong 3 chính sách thuộc nhóm chính sách về tài chính - ngân sách thì chính sách 3 (được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên) đã thực sự phát huy hiệu quả...
Đối với 3 chính sách còn lại về phân cấp thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã giúp Nghệ An chủ động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn. Riêng 2 chính sách phân cấp chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hiện nay đã được quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua để áp dụng chung cho cả nước.
Với dự thảo Nghị quyết lần này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, gồm 5 nhóm lĩnh vực với tổng số 17 chính sách. Trong đó, nhóm quản lý tài chính - ngân sách nhà nước có 5 chính sách; quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường có 3 chính sách; quản lý đầu tư có 4 chính sách; phát triển kinh tế biển có 2 chính sách; tổ chức bộ máy và biên chế có 3 chính sách. Trong số 17 chính sách đề xuất, có 6 chính sách tương đồng hoàn toàn các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù; 5 chính sách tương đồng một phần với các tỉnh, thành phố có điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của tỉnh Nghệ An; và 6 chính sách đề xuất mới…
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan, kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm và nguyên tắc, đó là các cơ chế, chính sách đặc thù phải bám sát mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cụ thể, về quan điểm, phải xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước. Đồng thời, vận dụng sáng tạo trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Và mục tiêu đến năm 2030, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, xây dựng Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được tăng cường.
Về chủ trương, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành một Nghị quyết mới, song hành với Nghị quyết số 36/2021/QH của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Về tiến độ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ủy ban Pháp luật cùng với Bộ Tư pháp và Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội với tinh thần chuẩn bị ở mức cao nhất, phấn đấu trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ Bảy tới.
Về các cơ chế, chính sách cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các bộ, ngành, để sớm hoàn thiện nội dung các cơ chế, chính sách và hồ sơ dự thảo Nghị quyết. “Tinh thần là những nghị quyết, chính sách đã được áp dụng cho các địa phương khác và hiện đang triển khai, thì đồng ý tiếp tục cho áp dụng với tỉnh Nghệ An, tuy nhiên, cần có sự tính toán, làm rõ thêm về sự cần thiết và tính khả thi của các cơ chế, chính sách”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Đối với những chính sách mới, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tinh thần chung của Đảng đoàn Quốc hội là cơ bản tán thành với đề xuất của tỉnh Nghệ An, đồng thời cần rà soát, đối chiếu, bảo đảm không trùng lặp với những chính sách đã được thể hiện trong các luật vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành trong thời gian tới đây, hoặc những chính sách đã nằm trong định hướng sửa đổi, bổ sung trong các nghị định của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp tại cuộc làm việc để hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng bảo đảm “tính dễ thực hiện và tính khả thi”; đồng thời tiếp tục nghiên cứu theo hướng tập trung vào các chính sách cụ thể để bổ sung nguồn lực và tăng cường phân cấp phân quyền, giúp tháo gỡ được các vướng mắc từ thực tiễn của địa phương và tạo đột phá mới cho phát triển của tỉnh Nghệ An. Lý lẽ, theo Chủ tịch Quốc hội, bởi Nghệ An là tỉnh “đất rộng, người đông nhưng nguồn lực còn rất hạn chế nên cần có sự hỗ trợ tối đa của Trung ương”.
Về các chính sách liên quan đến đầu tư - xây dựng, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nên nghiên cứu theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương, gắn với trình tự, thủ tục chặt chẽ để bảo đảm dễ thực hiện.
Khẳng định, Đảng đoàn Quốc hội nhất trí cao về mặt chủ trương cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, sau cuộc làm việc này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tham gia sớm cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành có liên quan để có thể trình dự thảo Nghị quyết theo đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm tiến độ đề ra. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, bởi việc ban hành Nghị quyết này không chỉ quan trọng với sự phát triển của riêng tỉnh Nghệ An mà còn với cả nước.