Sức Khỏe

Chưa thể coi Covid-19 như cúm mùa

Nguyên Thảo 09/05/2023 - 10:20

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO khẳng định còn quá sớm để coi Covid-19 giống như bệnh cúm mùa dù 2 bệnh này có nhiều điểm tương đồng.

Covid-19 không biến mất

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Covid-19 vẫn luôn biến đổi, điều này được khẳng định khi đầu tháng 5/2023, WHO công bố có 900 biến thể của Omicron. Trên thế giới vẫn có những làn sóng mới, có khu vực giảm, có nơi lại tăng. Thống kê những ngày vừa qua cho thấy tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam số ca tăng khi ghi nhận trung bình khoảng 2000 ca mới mỗi ngày.

tiem-vaccine-01119.jpg
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân

"Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó Covid-19 trong tình hình mới nhằm quản lý bền vững. Kế hoạch này gồm các nội dung vừa củng cố vừa tăng cường, lồng ghép giám sát có trọng điểm bên cạnh giám sát thường xuyên", TS Lân nói. 

Theo ông, biện pháp phòng chống hiện nay vẫn tiếp tục là 2K + Vaccine cùng với thuốc điều trị, ý thức người dân. Mục đích là hạn chế lây lan, giảm bệnh nhân nặng nhập viện.

Theo TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, có điểm tương đồng giữa Covid-19 và cúm mùa; tuy nhiên Covid-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường vào mùa đông. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về Covid-19. Có thể nói rằng quá sớm để khẳng định Covid-19 giống như bệnh cúm mùa. Cúm mùa thường vào mùa đông thì Covid-19 không theo mùa nào. Đây vẫn còn là bệnh mới, chúng ta mới có 4 năm làm quen với căn bệnh này, trong khi các chuyên gia trên thế giới đã có hàng chục năm nghiên cứu về cúm mùa.

"Tôi xin khẳng định lại một lần nữa: WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa là chúng ta chấm dứt đại dịch Covid-19", TS Angela Pratt nói.

Đánh giá cao các biện pháp ứng phó của Việt Nam với Covid-19, bà Angela Pratt cho rằng, ngay từ khi dịch bùng phát, Việt Nam đã có nhiều biện pháp ứng phó với Covid-19. Tất cả các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai đã giúp Việt Nam thành công trong phòng, chống dịch. Ngay từ khoảng cuối năm 2021 đến nay, Việt Nam đã chuyển biện pháp ứng phó với Covid-19 để vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, đại diện WHO vẫn cho rằng: "Đây không phải là lúc chúng ta nghỉ ngơi, số ca mắc vẫn tăng, vẫn có ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt và vẫn có tử vong. Vì thế, dù miễn dịch trong cộng đồng do mắc phải và tiêm vaccine cao nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác và có biện pháp thích hợp".

uho.jpeg
TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

Không được ngơi nghỉ, lơ là

Khẳng định WHO luôn đồng hành, cam kết với Bộ Y tế trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã đưa ra 7 khuyến nghị đối với Việt Nam.

Thứ nhất, chúng ta không bao giờ được ngơi nghỉ, lơ là. Với Việt Nam, chúng tôi khuyến nghị hệ thống phòng ngừa luôn ứng phó khi tình hình có thay đổi.

Thứ hai, đưa tiêm phòng Covid-19 vào tiêm chủng quốc gia - tiêm chủng suốt đời. Việt Nam có chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 rất tốt. Chúng tôi vẫn khuyến nghị Việt Nam tiêm các mũi tăng cường đặc biệt cho nhóm nguy cơ cao.

Thứ ba, chúng ta cần tiếp tục tăng cường tích hợp các hoạt động giám sát theo dõi các bệnh lý hô hấp, báo cáo về WHO. Việt Nam nên tập trung giám sát có trọng điểm, hết sức chặt chẽ với bất cứ sự xuất hiện của các biến thể mới. Dựa trên hệ thống dữ liệu, chúng ta chú ý số liệu về việc giảm số người tử vong hay giảm số ca nhập viện chăm sóc đặc biệt cho thấy tác động tổng thể. Đồng thời giám sát chặt chẽ thay đổi nào trong mức độ lây truyền, mức độ nặng của ca bệnh…

Thứ tư, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng vaccine, các phương tiện chẩn đoán, điều trị, đảm bảo các chuỗi cung ứng về lâu dài và luôn sẵn có.

Thứ năm, tiếp tục truyền thông, luôn huy động sự tham gia của cộng đồng. Covid-19 đã không còn là tình trạng chưa từng có tiền lệ nhưng vẫn cần truyền thông để người dân hiểu và luôn cập nhật thông tin về bệnh.

Thứ sáu, Việt Nam thực chất đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế đi lại từ tháng 3/2022 khi hướng tới quản lý bền vững Covid-19. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát và cập nhật kế hoạch đáp ứng quốc gia và sẵn sàng, linh hoạt. Nếu cần thiết có thể tái thiết lập các biện pháp y tế công cộng và xã hội, dựa trên tình hình dịch và đánh giá nguy cơ.

Thứ bảy, Việt Nam vẫn cần tiếp tục các nghiên cứu để cải tiến vaccine và hiểu các tình trạng liên quan hậu Covid-19 hơn. Trong bối cảnh ca nhiễm vẫn tăng thì chúng ta vẫn cần giám sát chặt chẽ, có các biện pháp sẵn sàng - nâng cao năng lực chăm sóc đặc biệt để đảm bảo khi số ca tăng lên, hệ thống y tế không bị quá tải.

Thời gian tới, ngành y tế sẽ lồng ghép tiêm phòng vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc tổ chức tiêm sẽ không liên tục, thường xuyên như trước đây, mà lồng ghép vào công tác tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế khoảng 3-4 buổi/tháng.

Việc tiêm bổ sung, nhắc lại trong thời gian tới đây là hết sức cần thiết. Hiện, Việt Nam có đủ vaccine AstraZeneca ở các địa điểm tiêm, phù hợp tiêm cho tất cả đối tượng đã từng tiêm vaccine cùng loại hoặc các vaccine khác.

WHO cũng khuyến cáo cần tập trung tiêm cho nhóm nguy cơ cao (người già, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch...).

PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa thể coi Covid-19 như cúm m a