Theo UBND tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 2020 - 2025, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Toàn tỉnh đã hoàn thành 36/38 nhiệm vụ đề ra; 10/16 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, tạo chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số
UBND tỉnh Bình Định cho biết, kết quả trên đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn lực phát triển và thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) giai đoạn 2020 - 2025 và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện. UBND tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch hằng năm và thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06.
Trong 5 năm qua, HĐND tỉnh đã ban hành gần 500 chính sách; UBND tỉnh ban hành hơn 600 văn bản chỉ đạo, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, cải cách TTHC được xác định là điểm sáng trong toàn bộ chương trình cải cách. UBND tỉnh đã ban hành 8 quy định, 4 đề án, 6 kế hoạch chuyên đề, 1 chỉ thị và hơn 900 văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan. Tỉnh cũng đẩy mạnh mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, tăng cường chuyển đổi số, từng bước triển khai hiệu quả Đề án 06.
Đến nay, 100% TTHC đã được chuẩn hóa quy trình nội bộ, tích hợp lên hệ thống thông tin giải quyết TTHC, giúp theo dõi, giám sát, công khai tiến độ và trách nhiệm xử lý. Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn tăng dần qua từng năm.
Tỉnh đã ủy quyền giải quyết 41 TTHC, phân cấp TTHC, ban hành 5 quy chế liên thông TTHC, góp phần giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện cung cấp 1.909 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 91,5% tổng số TTHC; 100% dịch vụ có thu phí, lệ phí đều tích hợp thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ giao dịch trực tuyến luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Công tác tổ chức bộ máy được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. UBND tỉnh đã sắp xếp, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ cho 14 cơ quan chuyên môn, giảm từ 20 xuống còn 14 đơn vị. Tỉnh cũng đã tinh giản 78 biên chế công chức (đạt 3,54%) và 2.164 viên chức (đạt 8%) trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cùng với đó, công tác quản lý, điều động, luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được triển khai chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định. Hoạt động kiểm tra công vụ được tăng cường, góp phần siết chặt kỷ luật, nâng cao đạo đức và hiệu quả thực thi công vụ.
Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ quan hành chính cũng đạt kết quả tích cực, giúp phát huy tính chủ động của các cấp chính quyền địa phương.
Chỉ số cải cách hành chính tăng mạnh
Những nỗ lực cải cách đã góp phần cải thiện rõ rệt các chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh. So với giai đoạn 20 – 2020, Bình Định đã có bước tiến mạnh về thứ hạng: Chỉ số PAPI: từ hạng 63 lên hạng 19, PAR INDEX: từ hạng 59 lên hạng 25, SIPAS: từ hạng 61 lên hạng 20, PCI: từ hạng 20 lên hạng 11.
Đặc biệt, chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của tỉnh liên tục nằm trong nhóm “Xuất sắc” toàn quốc trong 2 năm liên tiếp.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn ghi nhận nỗ lực của các cấp, ngành trong thời gian qua. Đồng thời, ông cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại như: chưa đồng đều trong sự quan tâm của lãnh đạo các cấp; việc duy trì vị trí các chỉ số còn thiếu ổn định; thực thi công vụ cấp xã còn hạn chế; tỷ lệ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp.
Về nhiệm vụ giai đoạn tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu xác định rõ phương hướng, đảm bảo khả thi và sát với thực tiễn sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh vai trò người đứng đầu các cấp phải “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá” vì lợi ích chung; đồng thời, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Các cấp ngành được yêu cầu rà soát thể chế, hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh số hóa, hiện đại hóa hành chính; nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng công nghệ, dữ liệu lớn và AI trong giải quyết TTHC.