Đời sống

Chuyện người đàn ông khuyết tật làm mới những con đường

Xuân Phương- Như Long 16/05/2025 - 10:33

Hơn 10 năm qua, mặc dù khuyết tật ở đôi chân và mưu sinh từ nghề bán vé số nhưng chú Nguyễn Hồng Dân (Ba Dân, ngụ phường Trà Nóc, Q.Bình Thủy, Cần Thơ) vẫn miệt mài vá những "ổ gà", "ổ voi", làm mới các con đường trong thầm lặng.

img_9049.jpeg
Chú Ba Dân và con xe quen thuộc, thực hiện công việc vá đường suốt hơn 10 năm nay

Chú Nguyễn Hồng Dân mọi người hay kêu là chú Ba Dân. Hiện chú đang sinh sống cùng vợ chồng người con trai tại phường Trà Nóc, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Chú Ba kể, sau cơn sốt năm 2 tuổi, chú không may bị bại liệt cả đôi chân. Lớn lên, chú mưu sinh đủ nghề, trong đó có nghề bán vé số.

Chú Ba Dân tâm sự, năm 2014, khi còn làm ở Bình Dương, chú chứng kiến cảnh một người bạn bị tai nạn giao thông do sụp ổ gà lúc di chuyển trên đường. Xót xa cho người bạn, chú mang quyết tâm đi khắp các con đường, bắt đầu công việc “vá đường”.

Từ Bình Dương, Đồng Nai rồi Rạch Giá về Cần Thơ, với đôi chân tật nguyền nhưng chú đã "vá" biết bao nhiêu "ổ voi" trên những con đường.

Thời gian đầu khi làm công việc vá đường, chú Dân sử dụng xi măng để sửa lại những khúc đường bị bể. Nhưng sau khi quan sát, chú thấy vá bằng xi măng mau xuống cấp. Chú chuyển qua vá bằng nhựa đường.

Ban đầu, chú Ba Dân đi nhặt, xin nhựa đường về phải lấy búa đập nhỏ ra để làm nguyên liệu vá đường. Sau vì sức khỏe không cho phép, chú tự chế ra máy đầm nhựa, tiết kiệm được thời gian rất nhiều.

Để có được chiếc máy, chú tự bỏ ra chi phí gần 20 triệu đồng để mua sắm. Lúc đầu, người ta cho nhựa đường. Chú Ba trả tiền xe. Tính ra cũng hơn 10 triệu đồng.

May mắn sau này, nhiều người biết tới chú và công việc ý nghĩa này, đa phần những nơi cho nhựa họ sẽ trả luôn chi phí vận chuyển.

Những buổi trưa hè nắng nóng, hay sau những cơn mưa, người dân khu vực này đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông miệt mài công việc vá những “ổ gà, ổ voi” trên đường.

Sở dĩ chú hay chọn việc sửa đường giữa trưa mặc dù có phần hơi vất vả nhưng mọi người ít ra đường. Việc sửa đường của chú sẽ không làm cản trở giao thông.

Đợt Covid năm 2021 đã cướp đi người bạn đời của chú. Từ đó, chú bỏ luôn nghề bán vé số, chú tâm hơn vào công việc sửa chữa các con đường bị bể, xuống cấp xem như đây là một việc hành thiện tích đức.

Ngày trước, chú Ba thường lấy tiền bán vé số để mua xi măng, dầu, nhớt... chi phí làm đường. Tuy nhiên, những năm gần đây, được chính quyền địa phương và nhiều người biết đến, ủng hộ nên chú cũng đỡ vất vả.

img_9417.jpeg
Chú Ba Dân bên những tấm giấy khen, bằng khen được chính quyền, xã hội ghi nhận tấm lòng vàng của chú

Công việc của chú bao năm qua không tránh khỏi lời bàn tán ra vào của mọi người. Có người bảo chú làm việc bao đồng, nhưng với chú còn sức khỏe để làm được những chuyện giúp ích cho đời cho người là niềm vui.

Chú Ba Dân chia sẻ: “Tôi làm việc này âm thầm không kêu gọi nhưng tôi có nguyên tắc riêng của bản thân, đặt ra cho bản thân “5 Không” để ghi nhớ. Đó là Không bán, Không Cho, Không làm mướn, Không xin, Không lãng phí. Bởi chi phí cho việc vá đường là do mọi người ủng hộ, tôi không thể đem bán hay cho bản thân làm của riêng.

Đồng thời, việc vá đường là việc tôi tự nguyện làm, do bản thân tôi muốn nên không thể xem tiền của mọi người ủng hộ là tiền công riêng của mình. Mà chính vì đây là chút tấm lòng của mọi người giúp đỡ nên tôi càng phải ý thức trong việc sử dụng nguồn tiền một cách cẩn thận, không gây lãng phí”.

Một chặng đường dài làm việc thiện, chú luôn giữ 5 nguyên tắc vàng của bản thân đặt ra để giữ lòng tin với mọi người bởi đối với chú, một khi để bị mất lòng tin sẽ mất tất cả.

Mỗi ngày, chú đi dọc khắp các con đường, cũng có khi được người quen mách cho những tuyến đường bị uống cấp. Đường nào hư hỏng, chỉ cần xe ba gác của chú ba Dân đi qua là nơi đó sẽ láng bóng.

Đến nay, chú cũng không nhớ được mình đã dặm vá bao nhiêu ổ voi, ổ gà vì trong đầu ông lúc nào cũng chỉ có một ý nghĩ là làm sao để người tham gia giao thông được an toàn.

Dù được ca ngợi câu chuyện vá đường trong thầm lặng nhưng chú Ba Dân cho rằng đây là công sức chung của mọi người, của các nhà hảo tâm chứ không riêng gì chú. Mỗi một con đường được chắp vá là chứa đựng tấm lòng của tất cả mọi người. Chú chỉ mong sao mai này khi tuổi già sức yếu, không thể tiếp tục công việc, sẽ có người thay chú, viết tiếp câu chuyện tình người, tiếp tục thực hiện công việc vá đường giúp người dân giảm thiểu tai nạn.

Anh Đỗ Quốc Thái ( ngụ tại P. Bùi Hữu Nghĩa, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ) cho biết: “Tôi thường xuyên đi qua lại các con đường ở khu vực quận Bình Thủy, nên đã quá quen thuộc với hình ảnh chú Dân đi sửa đường cho bà con. Tôi vẫn không quên mùa triều cường ở Cần Thơ năm trước. Sáng nào đi làm tôi cũng thấy chú tát nước ở những ổ gà còn đọng lại, chú lấy xẻng làm mềm đất và bắt đầu đắp lại những nơi đường bị bể ấy. Hình ảnh chú với đôi chân khuyết tật tự nguyện đi làm mới con đường cho bà con làm tôi vừa cảm động vừa ngưỡng mộ”.

img_9411.jpeg
Chú Dân xem những giấy khen, bằng khen, Giải thưởng như một nguồn động lực giúp chú tiếp tục công việc tử tế này

Nhờ tinh thần sống đẹp vì cộng đồng, năm 2018, ông Nguyễn Hồng Dân đã vinh dự được nhận Giải thưởng KOVA với hạng mục “Sống đẹp”; Năm 2021, ông được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện người đn ng khuyết tật lm mới những con đường