Đời sống

Chuyện về những người Mẹ Việt Nam Anh hùng

Bá Mạnh - Nguyễn Hạnh 21/07/2023 - 14:01

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, một quá khứ đau thương nhưng rất đỗi tự hào đối với dân tộc Việt Nam. Để có được thành công ấy, biết bao người mẹ đã phải nén đau thương, động viên đưa tiễn chồng, con lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.

Trong không khí cả nước đang hướng tới kỷ niệm 76 năm ngày thương binh, liệt sỹ, chúng tôi tìm về bên các Mẹ Việt Nam Anh hùng để được nghe kể về những chuyện đã qua. Lòng biết ơn sâu sắc xen lẫn sự cảm phục khiến chúng tôi càng thêm tự hào về các mẹ.

Trong cái nắng dịu nhẹ sau mưa bất chợt của ngày hè tháng 7, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Truyện ở xóm 1, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Mẹ Truyện năm nay đã 101 tuổi, đôi mắt đã mờ, trí nhớ giảm hẳn, mẹ không còn nghe được rõ, chuyện ngày trước có đoạn nhớ đoạn quên, nhưng chắp nối câu chuyện, chúng tôi phần nào hiểu được mẹ muốn nói gì.

Cả cuộc đời mẹ gắn với sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mẹ động viên các con lên đường nhập ngũ. Năm 1965, người con trai cả của mẹ là Nguyễn Văn Nguyệt tình nguyện nhập ngũ vào chiến trường miền Nam, kháng chiến chống Mỹ. Tiếp bước truyền thống của cha và anh trai, người con trai thứ 3 trong gia đình mẹ là Nguyễn Văn Vương cũng tình nguyện tham gia chiến trường miền Nam lúc tròn 17 tuổi.

chuyen_ve_ngung_nguoi_me_anh_hung_3.jpg
Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Truyện.

Thế rồi chỉ trong vòng gần 2 năm từ 1970 đến 1972, mẹ nhận liên tục giấy báo tử của 2 người con trai. Còn nổi đau nào lớn hơn thế, mẹ nuốt vào trong những giọt nước mắt nghẹn ngào.

Đến bây giờ khi Đất nước đã được bình yên, nhưng mẹ Truyện vẫn đau đáu nỗi đau khi liệt sĩ Nguyễn Văn Vương vẫn chưa tìm thấy phần mộ.

Nhắc đến các anh, mẹ Truyện rất đỗi tự hào, rưng rưng xúc động: Các con của mẹ đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi mới tuổi đôi mươi. Tuy các anh không ở bên chăm sóc mẹ, nhưng mẹ vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ, thăm hỏi thường xuyên của bà con lối xóm, của thế hệ trẻ hôm nay đó là niềm vui lớn nhất với mẹ.

Với những cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2014, mẹ Nguyễn Thị Truyện được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây là nguồn động viên, an ủi to lớn để mẹ tiếp tục sống vui, khỏe trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.

chuyen_ve_ngung_nguoi_me_anh_hung_5.jpg
Năm 2014, mẹ Nguyễn Thị Truyện được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chia tay Mẹ Truyện, chúng tôi tiếp tục đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cháu. Mẹ năm nay 92 tuổi, mẹ có 7 người con, trong đó, 2 người con trai đầu là liệt sĩ Hoàng Văn Xoan, Hoàng Trung Tính, cùng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Quảng Trị và chiến trường Lào năm 1972.

Thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Báo Nghệ An đã nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cháu trong nhiều năm qua. Mẹ luôn động viên các con, cháu phải biết vươn lên trong cuộc sống và không được quên công ơn của những người đã hy sinh máu xương của mình cho độc lập dân tộc.

“Mẹ biết, trên đất nước ta có hàng nghìn người phải gánh chịu những mất mát, đau thương như mẹ và hơn mẹ. Nên dẫu khuyết thiếu, đau thương và buồn tủi nhưng mẹ cũng rất đỗi tự hào về những đóng góp của các con mẹ cho đất nước”, mẹ Cháu tâm sự.

chuyen_ve_ngung_nguoi_me_anh_hung_2.jpg
Báo Nghệ An thăm và nhận phụng dưỡng mẹ Nguyễn Thị Cháu nhiều năm nay.

Trên dải đất thân thương hình chữ S, còn biết bao Mẹ Việt Nam Anh hùng trung hậu, tảo tần, lặng thầm với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để góp nên những trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc.

Riêng tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có 136 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện 3 mẹ còn sống. Để bù đắp những đau thương mất mát giúp các Mẹ Việt Nam Anh hùng có cuộc sống tốt hơn, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều năm qua các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đã chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Từ phong trào như xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa, hay xây dựng nhà tình nghĩa, trao sổ tiết kiệm, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã khẳng định truyền thống Uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Sự cống hiến của các mẹ là niềm tự hào, là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn cùng quê hương, dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong giọng nói, ánh mắt của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng chúng tôi đã gặp vẫn vẹn nguyên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, vẫn trọn vẹn một niềm tin vào lý tưởng mà mình và chồng con đã chọn, cùng bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Thiết thực kỷ niệm 76 năm ngày thương binh - liệt sỹ, mỗi người dân Hưng Nguyên nói riêng, người dân cả nước nói chung đều tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cảm ơn các Mẹ đã sinh ra những người con ưu tú, xả thân quên mình để bảo vệ non sông Đất nước. Sự hi sinh của các mẹ, các Anh mãi là bài học quý giá nhắc nhở thế hệ trẻ ngày hôm nay phát huy, trân trọng và tự hào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những người Mẹ Việt Nam Anh h ng